envi 0963 50 10 74 info@slowtravelhue.com

Festival Bốn Mùa khẳng định thương hiệu Huế Thành Phố Lễ Hội Của Việt Nam?

“Thành Phố Lễ Hội của Việt Nam” không chỉ là hảo danh để Huế thu hút thêm du khách. Xứ sở này có nhiều tiềm năng văn hóa, di sản ý nghĩa để viết nên những câu chuyện để đời. Với kế hoạch nhất quán và kỹ nghệ khéo léo, Lễ hội sẽ đóng vai trò tích cực trong việc thỏa mãn du khách với nhiều sở thích khác nhau. Nói cách khác, lễ hội góp phần giữ chân du khách, để họ không chỉ thăm Huế quanh năm mà còn nhiều lần nữa.

Bài viết này gợi mở sự phong phú của vùng đất Huế, với một danh mục rộng lớn các loại hình Lễ Hội. Nó làm rõ sự cần thiết của việc chuyển đổi từ tiếp cận sự kiện quốc tế hai năm một lần thành định hướng Festival bốn mùa. Cuối cùng, chúng ta sẽ điểm qua lịch sự kiện Festival 2022, với nhiều lễ hội đặc trưng, không riêng Huế mà cả Việt Nam.

1. Tại sao Huế nên khẳng định thương hiệu “Thành phố Lễ Hội đặc trưng của Việt Nam”?

Với bảy trăm năm tiếp biến văn hóa, mảnh đất miền trung Việt Nam giữ trong mình lớp trầm tích di sản, kế thừa nhiều giá trị nhân văn. Ngoài những di tích thì đời sống tâm linh của cộng đồng địa phương cũng góp phần vun đắp nên nhưng giá trị đặc trưng Huế. Theo thống kê, Huế có khoảng năm trăm lễ hội trong danh mục của mình. Trong đó, có khoảng một trăm lễ hội mang tính dân gian, gắn liền với đời sống làng xã.

Điểm nổi bật trong Lễ Hội xứ Huế là sự phản ánh ước vọng thiêng liêng của con người trong sự kết nối với trời, đất, sông, núi, thần linh và tiền nhân. Ở thời phong kiến, Vua là “Thiên Tử”, thay dân thực hiện các nghi lễ cầu cho quốc thái dân an. Huế từng là chốn đế đô của những triều đại phong kiến cuối cùng trong suốt bốn trăm năm. Hơn nữa, Phật Giáo cũng in dấu ấn sâu sắc trên mảnh đất này và trở thành nguồn khởi cho lễ nghi quan trọng. Ở vùng nông thôn, các vị cao niên chăm lo gìn giữ và truyền dạy nghi thức tế lễ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các lễ hội ở nông thôn thường gắn liền với lịch mùa vụ nông nghiệp, cầu cho mùa được bội thu, tri ân thần hoàng làng và các vị khai canh.

Dưới góc độ đó, du khách đến Huế bất kỳ mùa nào trong năm cũng sẽ được tham gia vào các lễ hội. Họ có thể chỉ chứng kiến những nghi thức cổ truyền trong các chương trình tour truyền thống, hay trải nghiệm một phần hoặc trọn vẹn các chuỗi lễ hội để cảm nhận sâu sắc cội nguồn văn hóa. Những lễ hội mùa Xuân, trước và sau Tết Nguyên Đán, thường long trọng với việc tái hiện các nghi lễ cung đình như “Lễ Ban Sóc” phát lịch đầu năm, “Lễ Thướng Tiêu” dựng cây nêu báo hiệu kỳ nghỉ Tết.

Ngoài ra cũng còn nhiều lễ hội được sân khấu hóa rất ấn tượng. Ví dụ như Lễ Tế Nam Giao để hướng về Trời và Đất. Lễ tế đàn Xã Tắc để cầu xin Thần Đất và Thần Lúa. Vào mùa hè, mùa Phật Đản hay Vu Lan báo hiếu lan tỏa những lời dạy của Đức Phật trong lối sống của người Huế. Khi thu đến, có rất nhiều Lễ Thu Tế và hoạt động ăn mừng ở vùng nông thôn. Trong phần lớn trường hợp, người dân sẽ tổ chức các trò chơi dân gian, các cuộc thi truyền thống như đua ghe, thả diều. Mùa Đông là thời gian để suy ngẫm, với sự hài hòa của thanh âm và sắc màu nghệ thuật.

Lễ dựng cây Nêu ở Huế Thành phố lễ hội của Việt Nam
Lễ Thướng Tiêu – Lễ dựng cây nêu ngày Tết trong Thế Tổ Miếu, Đại Nội (Nguồn ảnh: Visit Hue)

2. Từ sự kiện quốc tế hai năm một lần đến chuỗi lễ hội suốt cả năm

2.1. Festival Huế đã hình thành như thế nào?

Nhờ vào sự hợp tác mật thiết giữa Việt Nam và Pháp, một sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế lần đầu tiên diễn ra ở Huế năm 2000 với tên gọi Festival Huế . Giống như mô hình Festival ở Avignon, Edinburgh, Festival Huế đã giới thiệu một ý niệm hiện đại, hướng về công chúng, với các hoạt động nghệ thuật quốc tế. Lần tổ chức này đã rất thành công khiến nó trở thành một sự kiện quốc tế tổ chức hai năm một lần.

Với một chủ đề xuyên suốt “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival tôn vinh những di sản văn hóa của Huế và Việt Nam. Đồng thời, nó cũng là sân chơi mời gọi các đoàn văn hóa, nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới hội tụ để chia sẻ tài năng, câu chuyện và bản sắc của mình. Ban đầu, Festival kéo dài 12 ngày với 4 vòng lặp lại, về sau nó được rút ngắn còn một tuần.

Trong những giai đoạn cao điểm, có đến hơn 40 đoàn nghệ thuật biểu diễn các tiết mục, thể loại khác nhau. Họ hội tụ để giới thiệu, giao lưu những hình thái nghệ thuật mới lạ, tổ chức những triển lãm, hội chợ, cuộc thi ở nhiều địa điểm trong thành phố. Cũng có một số hoạt động tái hiện như Lễ Tế Nam Giao, rất ấn tượng và quy mô. Dẫu cho nhiều loại hình còn khá xa lạ với công chúng, một sự kiện quốc tế như vậy thật xứng đáng là điểm hẹn của văn hóa thế giới.

2.2. Festival Huế cần cải tiến điều gì?

Có quá nhiều thứ để xem, để thưởng thức nhưng bị gói gọn trong một thời gian ngắn. Đó là mặt hạn chế của tiếp cận này. Cả lãnh đạo thành phố và ban tổ chức Festival tốn rất nhiều công sức để mang về nhiều hoạt động, nhưng lại không làm rõ một số chủ đề độc đáo nổi bật. Khán giả, du khách đến tham dự Festival cứ có cảm giác sợ bỏ mất một cái gì đó. Họ không thể tham dự tất cả các hoạt động ưa thích bởi thời gian bị trùng lặp.

Một nhân tố không kém phần quan trọng là thời tiết. Những cơn mưa bão ngoài dự kiến đã làm hỏng tất cả những gì mọi người chờ đợi trong hai năm. Nhìn chung, để gói ghém tất cả sự phong phú và đa dạng của văn hóa di sản Huế, Việt Nam và trình làng trong một tuần, với một chủ đề chung chung không phải là lựa chọn tối ưu. Vậy nên, từ năm 2022, lãnh đạo và cơ quan văn hóa của Huế đã triển khai định hướng Festival bốn mùa nhằm tổ chức chuỗi các hoạt động lễ hội trải dài trong năm. Các sự kiện sẽ tôn vinh quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về danh thắng, du lịch tâm linh, để Huế thực sự trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Quảng diễn đường phố "Sắc màu văn hóa" ở Huế, Thành Phố Lễ Hội đặc trưng của Việt Nam
Quảng diễn đường phố “Sắc màu văn hóa” (Nguồn ảnh: thesmartlocal.com)

2.4. Huế Thành Phố Lễ Hội của Việt Nam chuyển mình qua bốn mùa như thế nào?

Festival Huế 2022 sẽ mở đầu với Lễ Ban Sóc, tái hiện nghi lễ phát lịch công vụ cho các quan đại thần dưới thời Nguyễn. Năm Festival sẽ kết thúc với lễ hội Countdown đêm giao thừa. Trong suốt năm, các lễ hội sẽ khai thác các đặc điểm lợi thế của mỗi mùa.

Lễ hội Mùa Xuân kéo dài từ tháng Một đến Tháng Ba với chủ đề “Sắc Xuân Giao Hòa”. Từ tháng Tư đến tháng Sau là lễ hội mùa hè với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. “Thu Quyến Rũ là sắc màu chủ đạo của các hoạt động từ tháng Bảy đến tháng Chín. Và khi những cơn mưa mang lại sự lãng mạn của mùa đông, thành phố và cư dân sẽ lãng du trong thơ, nhạc, họa. Vì thế, những tháng cuối năm sẽ lắng nghe lời thì thầm của “Giai điệu mùa Đông”.

Ngoài việc tận dụng các đặc điểm lợi thế của mùa, Huế cũng sẽ có các hoạt động nổi bật thể hiện sự giao thoa của các truyền thống văn hóa. Ví dụ như, các lễ hội tái hiện các nghi lễ ngày Tết ở trong cung đình. Ở miền quê, các trò chơi dân gian, và các cuộc tranh tài sẽ tô điểm cho các nghi thức cầu cho mùa màng bội thu, đời sống được bình an. Mùa hè khô và ấm là dịp tốt nhất để mời các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế đến biểu diễn. Huế vẫn mong muốn khẳng định giá trị thương hiệu mà Festival Huế đã lưu giữ trong tâm trí du khách, nhưng với một nhịp điệu thư thả và có chọn lọc hơn.

Hơn nữa, thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh việc khẳng định vị thế của một trung tâm nghệ thuật, ẩm thực, tâm linh và lối sống lành mạnh. Sẽ có rất nhiều hội thảo để quảng bá ẩm thực Huế và Việt Nam. Giải đua xe đạp “Coupe de Hue” cũng là một cơ hội tuyệt hảo để khẳng định khát vọng của người dân muốn xây dựng cố đô xanh thành “thành phố xe đạp”.

Với tất cả định hướng đầy tham vọng đó, hy vọng một làn gió mới sẽ đến, cởi bỏ lớp tro tàn ngày cũ để hiển lộ những nét quyến rũ rất riêng xứ Huế. Huế sẽ là thành phố Lễ Hội đặc trưng của Việt Nam, xứng tầm để bạn khám phá quanh năm.

Đám rước bằng thuyền trên Sông Hương đến Điện Huệ Nam, ở Huế, thành phố lễ hội của Việt Nam
Đoàn rước lễ bằng thuyền trên sông Hương đến điện Huệ Nam để cung nghênh Thánh Mẫu (Nguồn ảnh: Visit Hue)

3. Lịch lễ hội quanh năm của Huế. Điều đó ý nghĩa thế nào cho bạn?

Kế hoạch tổng thể này có nghĩa là Huế sẽ không chỉ là một festival một tuần mà sẽ là thành phố lễ hội suốt năm. Nói cách khác, mỗi tháng đều có các sự kiện lễ hội. Vậy nên, chúng ta cùng xem chi tiết lịch sự kiện nhé, xem bạn sẽ yêu thích hoạt động nào. Cũng có thể Lễ Hội không phải là động cơ chính để bạn ghé thăm Huế lần tới, nhưng nó sẽ là duyên lành để bạn trải nghiệm du lịch chậm và khiến kì nghỉ thêm gắn kết.

3.1. Các sự kiện lễ hội từ tháng Một đến Tháng Ba “Sắc Xuân Giao Hòa”

Các sự kiện đáng chú ý nhất trong tháng Một có lẽ là các nghi thức tái hiện của “Lễ Ban Sóc” và “Lễ Thướng Tiêu”.

Lễ Ban Sóc có nghĩa là ban bố lịch làm việc cho các quan. Lễ được tổ chức ở cửa Ngọ Môn vào ngày 1 tháng 1. Đây là nghi thức mang tính biểu tượng gắn liền với lịch làm việc của các bộ, quan lại, dưới thời nhà Nguyễn. Sự kiện này cũng là nghi thức thông báo khai mạc năm Festival Huế 2022.

Vào ngày 25 tháng 1, nếu tham quan Đại Nội, bạn cũng có cơ hội dự “Lễ Thướng Tiêu”. Theo truyền thống nghi lễ từ thời phong kiến, việc dựng cây nêu ngày Tết cũng là một dấu hiệu thông báo cho thần dân bước vào kỳ nghỉ Tết, triều đình treo ấn, dừng các hoạt động triều chính.

Các sự kiện khác vào mùa Xuân:

  • Ngày 9 tháng 2: Lễ hội Đền Huyền Trân để tôn vinh đức hạnh của Công Chúa Huyền Trân. Cô đã dành sự hy sinh cao cả để góp phần hình thành nên lịch sử 700 năm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – Thừa Thiên Huế.
  • Ngày 12-13 tháng 2: Ngày thơ Việt Nam với các hoạt động đọc thơ ở công viên Tứ Tượng.
  • Tháng Hai: Hội Thảo “Vương triều Nguyễn – giai đoạn thiết lập và hưng thịnh”. Ngày chính xác sẽ được báo sau.
  • Ngày 26-27 tháng 3: “Lễ hội Huế – Kinh đô ẩm thực”, với các tọa đàm, cuộc thi nấu ăn. Các hoạt động triển lãm ẩm thực ở nhiều không gian.
  • Ngày 9-10 tháng Ba: Lễ tế Xã Tắc dâng lên các vị thần Đất và Mùa Màng
  • Tháng Ba, ngày chưa xác định: Triễn lãm “Chế độ quan y triều Nguyễn
  • Với các lễ hội dân gian, hội vật làng Sình, lễ hội cầu ngư, vv.
Hội đấu vật làng truyền thống.
Có rất nhiều lễ hội ở làng quê trong mùa xuân (Ảnh nguồn: vanhoagiaoduc)

3.2. Các sự kiện lễ hội từ tháng Tư đến tháng Sáu “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”

Tháng Tư cũng là cao điểm của Festival Huế với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đây cũng là dịp tiếp tục khẳng định các bước tiến của Festival hai năm một lần.

Ngoài ra, có các hoạt động lễ hội khác bạn có thể quan tâm:

  • Ngày 2-3 tháng Tư: Lễ Hội Điện Huệ Nam hay thường gọi là Lễ Hội Điện Hòn Chén. Đó không chỉ là một cuộc diễu hành tâm linh với những buổi nhảy lên đồng, thể hiện tín ngưỡng Đạo Mẫu và Tứ Phủ. Đây là sự kiện lớn nhất của tín ngưỡng này trong cả nước, trông giống như một carnival hoành tráng trên sông Hương đến điện Huệ Nam (còn được gọi là điện Hòn Chén). Lưu ý quan trọng: Vào ngày này, các dịch vụ thuyền rồng rất hạn chế vì đa phần thuyền được thuê cho lễ hội .
  • Ngày 10 tháng Tư: Lễ hội Áo Dài
  • Ngày 10-12 tháng Tư: Quảng Diễn đường phố “Sắc màu văn hóa” nhằm mang không khí lễ hội đến các phố đi bộ, khu dân cư.
  • Ngày 12 tháng Tư: “Ngày nhạc Trịnh Công Sơn” để tưởng nhớ cố nhạc sĩ tài ba này. Người Việt Nam vẫn ví ông với Bob Dylan ở Mỹ.

Ngoài ra còn có các sự kiện thể thao khác như giải chạy Imperial Hue Marathon của VNExpress, Lễ Hội Bia Huế, hội đua thuyền ở Lăng Cô.

Đặc biệt, nếu bạn tham gia tour du lịch chậm khám phá Huế bằng xe đạp đến làng cổ Thanh Toàn trong thời gian này, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm không khí của “Chợ Quê Ngày Hội”. Bạn sẽ thưởng thức các đặc sản dân dã và tham gia các trò chơi dân gian.

Tháng Năm cũng là tháng lan toản những lời dạy của Đức Phật. Ngày 14 tháng 5, Ban trị sự Phật Giáo tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ khai mạc đại lễ ở Nghinh Lương Đình. Tiếp sau đó sẽ là tuần lễ ẩm thực chay đề cao sự sáng tạo và chuyên tâm của các nhà sư, phụ nữ Huế cũng nhưng các thực hành một đời sống lành mạnh. Các Phật Tử cũng sẽ tham gia nhiều hoạt động xiển dương văn hóa Phật Giáo giữa thành phố tỉnh thức này, ví dụ như hội thảo về âm nhạc, triễn lãm nghệ thuật đến trình diễn đường phố.

“Hoa Sen – Tinh Hoa của Trời và Đất” sẽ là chủ đề chính của tháng Sáu. Hoa sen không chỉ mang lại cảm hứng cho các họa tiết nghệ thuật trên các bộ sưu tập áo dài. Khán giả còn có thể học và trải nghiệm các sáng tạo nghệ thuật và thủ công với sen như Tranh giấy nghệ thuật Trúc Chỉ, nón lá sen, hoa sen giấy thủ công truyền thống. Các nghệ nhân ẩm thực cũng sẽ tề tựu để chia sẻ, trình diễn những thượng phẩm và món ngon từ sen.

Và dĩ nhiên tháng Sáu sẽ không thể thiếu thú chơi diều Huế, nghệ thuật diễn rối trên không”. Từ ngày 1 đến ngày 7 tháng sáu, Câu Lạc Bộ nghệ nhân Diều Huế sẽ chịu trách nhiệm quảng bá thú tiêu khiển truyền thống này. Từ các buổi hướng dẫn làm diều Huế nghệ thuật, triển lãm Diều cho đến các cuộc thi thả diều ở công viên Tứ Tượng, sân Hàm Nghi, Biển Thuận An. “Một vé về tuổi thơ” sẵn sàng chào đón mỗi người.

Tuần cuối cùng của tháng Sáu trùng với kỷ niệm húy kị của chúa Nguyễn Phúc Khoát, tiền nhân khởi xướng chiếc Áo Dài truyền thống. Để tưởng nhớ ngài, nhiều hoạt động quảng bá “Huế – Kinh Đô Áo Dài” sẽ diễn ra. Ví dụ như người dân sẽ mặc áo dài khi đi làm, khi đi chợ và nhiều địa điểm công cộng. Khách du lịch cũng sẽ dạo chơi, tham quan nhiều địa điểm gắn liền với lịch sử hình thành, kiến tạo chiếc Áo Dài xứ Huế.

Các thiếu nữ trong chương trình biểu diễn Áo Dài.
Lễ Hội Áo Dài, hoạt động nổi bật trong mỗi kỳ Festival (Nguồn ảnh: Hiếu Trương)

3.3. Các sự kiện lễ hội từ tháng Bảy đến tháng Chín “Thu Quyến Rũ”

Ngày 23-25 tháng Bảy, Lễ Hội “Hương Xưa Làng Cổ” mời gọi du khách khám phá ngôi làng hơn 500 năm tuổi bên sông Ô Lâu, cách Huế 50km về phía Bắc. Bênh cạnh các ngôi nhà vườn xanh mướt, các đình làng nhà thờ họ quyến rũ, Phước Tích còn nổi tiếng với nghề làm gốm truyền thống, nghề chạm trổ mộc Mỹ Xuyên, nghề đệm bàng Phò Trạch.

Cũng như Lễ Ban Sóc, Lễ Thướng Tiêu, Lễ Truyền Lô cũng sẽ được tái hiện để vinh danh các sĩ tử đỗ trạng nguyên ở Quốc Tử Giám. Lễ sẽ được tổ chức vào tháng Tám ở Kinh Thành.

Tết Trung Thu cũng có hai sự kiện nổi bật là hội thi lân sư rồng và trình diễn đèn lồng cố đô. Đây là dịp để trưng diễn các đặc điểm khác biệt giữa đèn lồng Huế và đèn lồng Hội An. Sẽ có nhiều loại đèn lồng cung đình rất cầu kỳ, các đèn lồng dân gian và đèn nghệ thuật. Chúng được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau như vải, giấy màu, giấy dó và tre. Các nghệ sĩ cũng sẽ nâng cao giá trị đèn lồng Huế với nghệ thuật sắp đặt ở nhiều địa điểm trang trọng.

Đối với các sự kiện thể thao, Huế cũng sẽ vui hơn khi chào đón các tay đua trong nước và quốc tế về tranh giải “Coupe de Hue”. Trên sông Hương, không chỉ dân làng khắp nơi trong tỉnh tập trung để đua ghe mà những người đam mê môn chèo ván đứng SUP cũng có dịp tỏ lòng cảm mến với dòng Hương Giang.

Nghệ thuật sắp đặt đèn lồng Huế ở Đại Nội
Nghệ thuật sắp đặt đèn lồng Cố Đô trong Đại Nội ở Lễ Hội Mùa Thu (Nguồn ảnh: Vntravellive)

3.4. Các sự kiện lễ hội từ tháng Mười đến tháng Mười Hai “Giai Điệu Mùa Đông”

Từ cuộc thi “giọng hát Bolero”, Ca Huế đến nhạc EDM, kèn đồng, âm nhạc và nghệ thuật giải trí sẽ làm ấm mùa đông xứ Huế.

Bên cạnh đó, những người theo đuổi sức khỏe và lối sống lành mạnh sẽ khởi xướng “Tuần lễ Du lịch chăm sóc sức khỏe” với các hoạt động khai mạc vào ngày 26 và 27 tháng Mười Một. Các trà thất, trung tâm onsen, các resort nghỉ dưỡng và nước khoáng nóng, các trung tâm y học cổ truyền sẽ kết nối để cùng giới thiệu các truyền thống trị liệu và thói quen ăn uống có lợi cho sức khỏe.

Nhìn chung, lịch sự kiện này là một tiếp cận hoàn chỉnh để nhấn mạnh rằng Festival Huế không chỉ là những gì gói gọn trong một tuần mà sẽ diễn ra suốt cả năm với nhiều hoạt động đáng giá. Mặc dù đã nỗ lực tóm gọn, chúng tôi vẫn rất khó để giới thiệu đầy đủ trong một bài viết. Chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về các hoạt động, những lễ hội quan trọng ở Huế trong các bài viết liên quan sau. Điều quan trọng cần nhớ là “Huế tự thân là vùng đất lễ hội

Nói cách khác, Huế xứng đáng với thương hiệu “Thành phố lễ hội đặc trưng nhất của Việt Nam”. Cho dù đó là một sự kiện từ cung đình, hay trong không gian văn hóa làng xã, bạn sẽ khiến kỳ nghỉ của mình đáng nhớ và giàu ý nghĩa hơn nếu bạn sẵn sàng trở thành một phần của lễ hội.

Để lại phản hồi

Bền Vững, Hạnh Phúc, Thiên Nhiên

Biểu tượng của chúng tôi là một chú rùa nhân hóa với chiếc mai hình trái tim, đi thư thả và an nhiên. Đầu hướng về  Bền Vững để quảng bá  “Du Lịch tôn trọng người dân địa phương, du khách, di sản văn hóa và môi trường”.  Trái tim chia sẻ Hạnh Phúc “Đi Chậm Cảm Sâu” hay “Viên Thành trong Tiếp Nối”. Cánh tay ôm ấp Thiên Nhiên để cung cấp dịch vụ thân thiện môi trường.

Tiến hành đặt chỗ