vi 0963 50 10 74 info@slowtravelhue.com

“Chợ quê ngày hội” từ lâu đã trở thành nét văn hoá không thể thiếu ở Thanh Toàn trong các sự kiện tổ chức tại làng. Nét dân dã, mộc mạc của chợ quê đã ngấm sâu trong mỗi con người, mỗi cảnh vật nơi đây.

Làng Thanh Toàn

Làng lúc đầu có tên là Thanh Toàn, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km về phía Đông Nam, thuộc xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng Thanh Toàn được lập ra vào năm 1471, sau đó để tránh phạm h​úy vua Thiệu Trị (1841​-1847) nên làng được đổi tên thành làng Thanh Thuỷ, sau này làng còn có tên là Thanh Thủy Chánh.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, làng Thanh Toàn vẫn còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính và tôn nghiêm theo truyền thống Huế: quần thể đình, chùa, miếu, nhà thờ của 13 dòng họ, đặc biệt là là Cầu Ngói Thanh Toàn nổi tiếng với lối kiến trúc đặc biệt.

Làng Thanh Toàn vốn là một làng quê thuần nông với khoảng 3.000 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề lúa nước. Vào mùa nông nhàn, họ làm thêm các nghề phụ như nghề chằm nón, chèo thuyền, làm bánh chưng bánh tét, làm bánh bèo, rèn các đồ nông cụ…

Khách Slow Travel Huế trải nghiệm nghề chằm nón với phụ nữ Thanh Toàn

Cầu ngói Thanh Toàn

Làng Thanh Toàn được biết đến bởi cảnh làng quê yên bình, ruộng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay. Đặc biệt nơi đây có Cầu ngói Thanh Toàn bắc ngang sông Như Ý – một công trình kiến trúc vô cùng đặc biệt. 

Là một di tích kiến trúc cổ rất có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa, Cầu ngói Thanh Toàn thể hiện được nét đặc trưng kiến trúc thời phong kiến. Được xây dựng từ năm 1776 theo lối “Thượng gia Hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu), Cầu ngói Thanh Toàn mang vẻ đẹp duyên dáng, cổ kính, rất hài hoà với phong cảnh thanh bình của làng quê nơi đây.  Ngay đầu cầu có một cái chợ nhỏ nằm ẩn mình dưới tán 4 gốc đa cổ thụ xanh mát. Đây là nơi buôn bán và cũng nơi gặp gỡ, giao lưu, sinh hoạt văn hóa của dân làng.

Cầu ngói Thanh Toàn dài 43 thước mộc (khoảng 18,75m), rộng 14 thước (khoảng 5,82m), hai bên thành cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi nghỉ tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men, chia làm 7 gian, gian giữa của cầu dành để thờ bà Trần Thị Đạo (người có công xây dựng cầu). Trải qua nhiều lần trùng tu (vào các năm 1847, 1906, 1956, 1971), kích thước và vật liệu xây cầu có thay đổi chút ít, nhưng kiểu kiến trúc vẫn được giữ nguyên sơ vẻ ban đầu.

Năm 1990, Cầu ngói Thanh Toàn đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia và được lưu tâm giữ gìn, cũng như được du khách mọi miền biết đến. Cầu ngói Thanh Toàn từ lâu đã góp phần làm nên nét đa dạng cho du lịch Huế.

Khách Slow Travel Huế nghỉ ngơi, giao lưu hò giã gạo trên cầu Ngói Thanh Toàn

Dân dã “Chợ quê ngày hội” ở Thanh Toàn

Dân dã chợ quê ngày hội

Hàng năm, cứ đến dịp Tết Nguyên Đán và dịp Festival Huế, hình ảnh Chợ Quê lại được tái hiện ở làng Thanh Toàn, lâu dần “Chợ quê ngày hội” được biết đến như một thương hiệu riêng để nói về làng Thanh Toàn trong các dịp hội hè, lễ lạt.

“Chợ quê ngày hội” ở Thanh Toàn mang đậm nét dân dã, mộc mạc. Tất cả được thể hiện trong từng cảnh vật, từng con người nơi đây. Hình ảnh đời sống sinh hoạt bình dị hàng ngày của vùng nông thôn như đi chợ, mua bán trên sông, tát gàu sòng, đạp nước trên đồng ruộng, câu cá, cất vó, đan lát, chằm nón, xay lúa, giã gạo, gói bánh chưng bánh tét….được tái hiện rất chân thực và sinh động. Ngoài ra còn có các trò chơi dân gian truyền thống như đua ghe, chơi hội bài chòi, bịt mắt ập om…rất thú vị. Không gian làng quê, cảnh vật đậm hồn Việt, con người cởi mở thân thiện, tất cả tạo nên nét dân dã đặc trưng của Thanh Toàn. Phiên chợ quê xưa với các O, các Thím đầu đội nón lá, quần rộng, áo nâu sòng bên các gian hàng trưng bày, mua bán, giới thiệu các mặt hàng nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ sành sứ, hàng lưu niệm….đã mang hơi thở của làng quê Thanh Toàn đến với mọi miền đất nước. 

Các hoạt động ở chợ quê ngày hội

Đến Thanh Toàn vào dịp có chợ quê ngày hội, rất nhiều hoạt động đặc sắc chờ đón bạn:

  • Khám phá các trò chơi dân gian truyền thống: bịt mắt ập om, đua ghe, hội bài chòi, đá gà…
  • Xem các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, đêm lễ hội Áo dài, thả đèn hoa đăng.
  • Tìm hiểu về các sản vật địa phương nổi tiếng thông qua các gian hàng trưng bày tại chợ quê: bánh tráng Thuỷ Dương, bột lọc Thuỷ Dương, nếp Thuỷ Phù, thanh trà Thuỷ Bằng, dưa gang Thuỷ Lương, bắp và đậu Dương Hoà…
  • Thưởng thức các món ẩm thực dân dã mà không kém phần hấp dẫn từ làng quê ở Hương Thủy như: xôi thịt hon, cơm mo, cơm nắm, bánh canh cá lóc, đậu hũ, các loại chè đậu xanh, đậu ván, bánh tráng chè kê, nước chè xanh gừng, nước lá, kẹo câu, kẹo đậu phụng và ẩm thực chay. Ngoài ra còn có các món ăn độc đáo đậm chất Huế: bánh bèo, nậm, lọc, bánh phu thê, cơm hến, bánh canh cá lóc, gánh đậu hũ Huế để bạn tha hồ nếm thử để cảm nhận sự đa dạng của món ngon xứ Huế.
  • Trải nghiệm các hoạt động đơn giản gắn liền với sinh hoạt thường nhật của người đại phương: chằm nón, làm bánh, chèo đò, giã gạo, tát nước….
  • Quan sát và tham gia các hội thi chằm nón, vẽ tranh, thi giã gạo, xay lúa, chèo thuyền…

Các món ăn được bày biện kiểu gánh hàng, chòi tranh hay trên các chõng tre, sử dụng bát, muỗng, đũa tre ở thôn quê xưa. Các trò chơi dân gian được tổ chức xung quanh khu vực chợ và Cầu Ngói. Tất cả đều nhằm thể hiện hồn quê giữa đất cố đô Huế. Bạn sẽ cảm nhận tuyệt đối được nét thanh bình, mộc mạc nơi đây.

Bài Chòi luôn là hoạt động được yêu thích trong Chợ Quê Ngày Hội ở Thanh Toàn

Xem thêm: Huế Thành Phố Lễ Hội của Việt Nam, lịch lễ hội cả năm 2022

Du lịch Huế thăm chợ quê ngày hội

Du lịch Huế vào những dịp Lễ Tết, Festival, bạn sẽ được thăm chợ quê ngày hội Thanh Toàn để đắm mình trong không gian văn hoá đậm chất thôn dã. Dạo chơi quanh phiên chợ để ngắm nhìn từng sản vật, thưởng thức từng vị đặc sản miền quê, thử sức với các trò chơi dân gian xưa cũ, chọn mua những món quà quê thơm thảo… thật là trải nghiệm du lịch vô cùng đáng nhớ! Chợ quê ngày hội đã khoác cho làng Thanh Toàn thêm một màu áo mới vui tươi, nhộn nhịp, hấp dẫn. Mà cái lạ là, dẫu nhộn nhịp đến mấy, làng quê ấy vẫn giữ được cái hồn chân chất, yên bình hiếm có.

Không chỉ đặc biệt hấp dẫn vào mùa Lễ hội, Cầu ngói Thanh Toàn cũng rất đỗi nên thơ trong ngày thường. Một điểm đến quyến rũ, quanh năm mát rượi, bạn đừng bỏ lỡ khi du lịch Huế nhé! Không ở đâu mà bạn thấy mình như được trở về với cội nguồn, được yêu thương, được thoải mái tâm trí như ở Thanh Toàn. Về đây đi chợ quê, thử một ngày làm nông dân, hít hà cái hương thơm khoai sắn ruộng đồng, chèo thuyền xuôi dòng sông Như Ý, ngồi hóng mát trên Cầu Ngói, nghe câu hò đối đáp thân thương xứ Huế:

Ai về cầu ngói Thanh Toàn

Cho Em về với một đoàn cho vui

Hãy dành ra nửa ngày “Trải nghiệm miền quê Xứ Huế” hoặc một ngày “Trải nghiệm làng quê Thanh Toàn” để yêu thêm miền đất tươi đẹp, giàu truyền thống này.

Để lại phản hồi

Bền Vững, Hạnh Phúc, Thiên Nhiên

Biểu tượng của chúng tôi là một chú rùa nhân hóa với chiếc mai hình trái tim, đi thư thả và an nhiên. Đầu hướng về  Bền Vững để quảng bá  “Du Lịch tôn trọng người dân địa phương, du khách, di sản văn hóa và môi trường”.  Trái tim chia sẻ Hạnh Phúc “Đi Chậm Cảm Sâu” hay “Viên Thành trong Tiếp Nối”. Cánh tay ôm ấp Thiên Nhiên để cung cấp dịch vụ thân thiện môi trường.

Tiến hành đặt chỗ