Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã là Thiền viện đầu tiên ở Huế nói riêng và miền Trung nói chung. Toạ lạc dưới chân núi Bạch Mã, giữa lòng Hồ Truồi, Thiền Viện là vùng sơn thuỷ hữu tình để trải nghiệm du lịch và tìm thấy chốn an yên, tĩnh tâm thật sự.
Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế ở đâu?
Ở Việt Nam có bốn ngôi thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm là: thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, thiền viện Trúc Lâm Tây Phương và thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã.
Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế là một quần thể danh lam giữa vùng sơn thủy hữu tình. Thiền viện nằm tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, giữa lòng hồ Truồi, ngự trên ngọn núi Linh Sơn thuộc xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thiền Viện nằm cách Quốc lộ 1A khoảng 10km, cách thành phố Huế khoảng 35km và TP Đà Nẵng 65Km.
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được sáng lập bởi Hòa thượng Tôn Sư Thượng Thanh Hạ Từ – viện trưởng thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt. Vào ngày 30/3/2006, Thiền Viện khởi công xây dựng và đến nay đã hoàn thành gồm 3 khu vực: ngoại viện, tăng viện và ni viện với trên 20 hạng mục lớn nhỏ khác nhau. Tôn chỉ của chùa là đề cao tinh thần Thiền phái Trúc Lâm, đồng thời được dùng làm nơi tu học và phục vụ việc tu Thiền cho Tăng ni, Phật tử khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, Thiền Viện cũng góp phần bảo tồn, tạo cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ gắn liền với Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Bạch Mã. Toàn bộ công trình được khánh thành vào ngày 20/4/2008.
Đường đi đến Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế
Nằm trên trục đường quốc lộ từ Huế vào Đà Nẵng, đường đi đến Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã khá thuận tiện.
Xuất phát từ thành phố Huế, đi theo Quốc lộ I về phía Nam khoảng 30km, qua khỏi Cầu Truồi rẽ phải vào thêm tầm 6km nữa. Vượt qua vùng đất khô cằn sỏi đá, âm u và thưa thớt dân cư, bạn sẽ thực sự ngạc nhiên khi đặt chân đến Đập Thuỷ Điện Hồ Truồi – công trình thuỷ điện đầu tiên và lớn nhất ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Hồ Truồi có diện tích khoảng 400 ha, dung tích lòng hồ đến 60 triệu mết khối nước. Hồ Truồi trong xanh như chiếc gương phản chiếu khổng lồ, quanh năm chìm trong mây trắng, được bao bọc bởi trùng điệp núi non xanh ngát hữu tình.
Cách chân đập Truồi khoảng 500m, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nằm uy nghi mà trầm mặc giữa lòng hồ nước. Chỉ cần đặt chân xuôi thuyền rồi sau đó vượt qua 172 bậc thang bạn sẽ có được trải nghiệm du lịch vô cùng thú vị. Qua cổng tam quan, bước vào chính điện và bạn hoàn toàn thoát khỏi thế giới náo nhiệt bên ngoài.
Đường đi lên Thiền viện được bao quanh bởi một bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động với núi rừng, cỏ cây, sông nước. Tất cả tạo cho bạn cảm giác bình yên thư thái hoàn toàn giữa chốn thần tiên.
Kinh nghiệm tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế
Tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế vào mùa nào?
Để có cơ hội khám phá thiên nhiên, tận hưởng tuyệt đối bầu không khí trong lành, mát lạnh nơi đây, bạn nên sắp xếp trải nghiệm du lịch Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế vào mùa Hè. Tiết trời khô ráo, nắng trong và trời xanh sẽ càng tôn lên vẻ đẹp của vùng sơn thuỷ hữu tình. Lý tưởng nhất là khoảng tháng 4, tháng 5, khi nắng hè còn chưa gay gắt, bạn sẽ dễ dàng chinh phục đường lên Thiền viện không mấy khó khăn.
Tuy nhiên cũng sẽ thật đặc biệt nếu bạn đến đây vào mùa Đông. Sẽ thú vị vô cùng khi được thong thả ngồi bên tách trà, ngắm sương mù và mưa phùn bay bay trong Thiền viện. Trời lạnh mà lòng sẽ rất ấm, trong hương trầm bay bay phảng phất khắp nơi. Nhớ trang bị đủ áo khoác, khăn mũ len thật đầy đủ nhé.
Giá vé tham quan
Không chỉ là điểm hành hương chiêm bái, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã còn được biết đến như một danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp không thể bỏ lỡ khi đến Huế. Đặc biệt, vào Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã không cần tốn phí tham quan, chỉ cần trả tiền thuyền.
Giờ mở cửa hàng ngày: 06H00 – 17H00
Giá thuê thuyền : 20.000/người + bảo hiêm 2.000/người (thuyền đi chung, tối đa 12 người/thuyền).
240.000/thuyền riêng cho đoàn

Thăm gì ở Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế
Bước vào nơi hội tụ đủ mây, trời, sông, núi này, bạn sẽ cảm tưởng như đang lạc vào vùng đất thoát tục nào đó. Tất cả hoà quyện vào nhau hài hoà, thơ mộng không khác gì tiên cảnh! Mùi hương trầm phảng phất, tiếng chuông thiền ngân nga, khung cảnh thanh tịnh, yên bình trong ngôi chùa cổ kính ở Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã sẽ là dấu ấn không phai.
Trước hết là cổng Thiền viện – cổng Tam quan gồm 1 lối đi ở cổng chính, 2 lối đi phụ. Mỗi lối đi đều có nguồn gốc và ý nghĩa riêng, lối đi phụ bên phải là dành cho quan văn, lối đi phụ bên trái cổng dành cho quan võ. Còn lối chính giữa là đường đi dành cho bậc quân vương, chính khách được mời đến. Dân gian đi chùa thường có ý niệm, muốn làm quan văn hay quan võ thì chủ tâm đi 1 trong 2 lối phụ qua cổngTam quan. Đặc biệt ít ai đi thẳng lối chính giữa vì bị coi như phạm thượng đến đức anh linh.
Bước vào bên trong Thiền viện, bạn sẽ thật sự ấn tượng bởi không gian thoáng đãng được thiết kế chủ yếu bằng chất liệu gỗ, với kiến trúc và chạm trổ vô cùng tinh tế của của người Việt xưa. Những công trình kiến trúc chính của Thiền viện được xây dựng hài hoà trong một quần thể rộng lớn với tổ đường, chính điện, tăng đường, trai đường, phương trượng, lầu chuông và tháp xá lợi. Tất cả quần tụ trên một khu rừng nguyên sinh tươi tốt. Trong những khu vườn, khu rừng này là những loài cây quý, hoa lạ phô diễn vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng, càng đẹp rực rỡ hơn nhờ bàn tay chăm sóc chu đáo của những tăng, ni, phật tử ở đây. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã chính là tuyệt tác nghệ thuật của Phật giáo. Từ những họa tiết trang trí đượm màu cổ kính đến những mái chùa cong vút. Gác chuông được thiết kế theo lối kiến trúc đình chùa truyền thống đậm chất Á Đông, gồm 2 tầng 8 mái cong đầu đao. Phần ngói được lộp mái vẩy, xung quanh có chạm khắc hoa cảnh và hình rồng sinh động.
Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được chia thành 3 khu vực chính: Ngoại viện, Tăng viện, Ni viện.
Ngoại viện là nơi điện thờ chính, thờ đức Phật tổ đang ngồi dưới gốc cây bồ đề, phía sau chính điện là khu vực thờ Tổ sư Đạt Ma của dòng thiền phái Trúc Lâm. Tăng viện là nơi tu hành của tu sĩ nam và phật tử là nam giới, còn Ni viện là khu vực chuyên tu của tu sĩ nữ và phật tử nữ giới.
Bên cạnh thiên nhiên bao la, thoáng đãng và nên thơ, du khách còn được chiêm ngưỡng tượng Phật Thích Ca lộ thiên đang ngồi thiền trên ngọn đồi ở trước chùa. Đây là công trình để lại dấu ấn sâu đậm với du khách vì vị trí đặc biệt giữa khung cảnh đậm chất tâm linh. Nằm giữa hồ cao 24 mét, nặng 1.500 tấn bằng đá, tượng Phật cùng với các công trình xây dựng của Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế nằm bên kia hồ, ẩn hiện mơ màng, trầm mặc.
Trải nghiệm du lịch ở Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã
Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã Huế là điểm dừng chân lý tưởng để trải nghiệm du lịch và tĩnh tâm xóa đi mọi ưu phiền. 1 ngày trọn vẹn để tham quan Thiền viện là phần thưởng xứng đáng cho tâm hồn tìm lại sức sống tươi vui, nhẹ nhàng, sẻ chia và cởi mở.
Bạn còn có thể kết hợp ngoạn cảnh Hồ Truồi xanh ngát, tĩnh lặng bằng một vòng thuyền để khám phá thiên nhiên hoang dã và hít thở bầu không khí mát lành hiếm có.
Một trải nghiệm du lịch độc đáo khác là chương trình 2 ngày 1 đêm Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã – vườn quốc gia Bạch Mã, tham quan Hải Vọng Đài, thác Đỗ Quyên, thưởng thức bữa trưa picnic giữa mây ngàn.
Ngoài ra, xứ Truồi “ngọt mít thơm dâu” còn chiêu đã bạn sản vật đặc trưng là dâu Truồi, bánh ướt thịt nướng Truồi. Trước khi rời mảnh đất nhiều hiền hoà này, bạn đừng quên mua về một ít đặc sản để nhâm nhi sau chuyến đi nhé! Bạn sẽ nhớ về vùng sơn thuỷ hữu tình này với muôn ngàn yêu thương.