Từ ngày xưa, chợ luôn là một phần quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của một cộng đồng. Chợ có thể họp một buổi, một ngày hay định kỳ như chợ phiên. Chợ có thể là nơi giao lưu, biểu diễn, là trung tâm của lễ hội. Tên ngôi chợ có thể gắn với tên làng, vị trí đặt chợ hay sản vật nổi tiếng. Dĩ nhiên, chợ sẽ không thể thiếu những món ăn ngon, những hàng thủ công tinh xảo. Đó là nơi giúp bạn thấu hiểu sâu sắc về lịch sử văn hóa, dân cư địa phương. Vậy nên, các khu chợ truyền thống là một phần không thể thiếu trong hành trình du lịch của bạn. “Du lịch chậm chợ quê xứ huế, cảm hương vị, hiểu nhân sinh” gợi mở những câu chuyện thú vị, những đặc sản đáng để khám phá.
Nội dung chính
- 1. Du lịch chậm chợ quê xứ Huế từ khi còn trong nôi
- 2. Những ngôi chợ quê nào hay nhất để khám phá?
- 2.1. Chợ Vỹ Dạ: xứ vườn xứ thơ
- 2.2. Chợ Nam Phổ và Bánh Canh Nam Phổ
- 2.3. Chợ Nọ và nhạc Bolero
- 2.4. Chợ Dinh và phố cổ Gia Hội
- 2.5. Chợ Bao Vinh và những làng nghề truyền thống
- 2.6. Chợ Thông và làng bánh tráng Lựu Bảo
- 2.7. Chợ Bến Ngự và “Ông Già Bến Ngự”
- 2.8. Chợ An Cựu “một chị một em” với Chợ Đông Ba
- 2.9. Chợ Thủy Biều, vùng đất khoa cử
- 2.10. Những ngôi chợ truyền thống khác ở Huế
- 3. Lên kế hoạch du lịch chậm thăm chợ quê xứ Huế
1. Du lịch chậm chợ quê xứ Huế từ khi còn trong nôi
Từ khi còn nằm trong nôi, trẻ con xứ Huế đã bắt đầu đi chợ. Thật vậy đấy, không đứa trẻ nào lớn lên mà không nghe những lời hát ru.
“Ru em, em théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim”.
Mẹ hát ru em ngủ cho say giấc, để mẹ có thể đi chợ được lâu hơn. Nếu bạn am hiểu vùng đất Huế, bạn sẽ biết rằng, Mẹ không chỉ đi chợ như một hoạt động thiết yếu, để mua thực phẩm nấu ăn. “Đi chợ” là một hành trình nhiều lạc thú. Mẹ sẽ đi chậm, qua nhiều miền quê, chiêm ngắm nhiều sản vật. Đi chợ cũng để lắng nghe, tiếp nối những câu chuyện nhân sinh. Tại sao vậy?
Tại sao Chợ Dinh chỉ bán áo con trai? Vì sao phải mua nón Triều Sơn, mua kim của làng Mậu Tài? Mỗi tên gọi là một câu chuyện văn hóa lịch sử. Mỗi sản phẩm là một niềm tự hào của truyền thống, bí quyết gìn giữ hàng trăm năm. Vậy, chúng ta tiếp tục khám phá các ngôi chợ hàng trăm năm tuổi ở xứ Huế nhé.
2. Những ngôi chợ quê nào hay nhất để khám phá?
Bài viết này đưa bạn du khảo môt số ngôi chợ rất thú vị. Ở mỗi nơi, bạn sẽ hiểu về tên gọi, đặc sản, và kết hợp du lịch trải nghiệm các vùng xung quanh. Chúng tôi sẽ không kể về chợ Đông Ba, chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn. Bạn có thể xem thêm bên dưới.
Xem thêm:
2.1. Chợ Vỹ Dạ: xứ vườn xứ thơ
- Ý nghĩa tên gọi: Vỹ Dạ có gốc từ Vi Dã, là cánh đồng lau lách
- Món ngon nên thử: Cơm hến
- Điểm tham quan: Các phủ đệ nhà vườn, cồn Hến
Vỹ Dạ là ngôi làng cổ hơn 550 tuổi nằm sát bên thành phố Huế. Tên ngôi làng có nghĩa là cánh đồng lau lách “Vi Dã”. Nơi đây từng là một vùng xanh tươi, trù phú nên được các quan lại và hoàng tộc chọn làm nơi xây dựng phủ đệ của mình. Vậy nên, bạn sẽ có dịp tham quan nhiều phủ đệ và những “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”.
Vùng Vỹ Dạ xưa nổi tiếng là nơi ở của tao nhân mặc khách. Do vậy, việc buôn bán ở chợ cũng lan tỏa một nét đẹp văn hóa “3 Không”:
Không ép mua rẻ bán đắt;
Không trao hàng giả hàng xấu;
Không bán tôm thúi cá ương cho trẻ con, người già, phụ nữ mang bầu và đàn ông (có vợ đẻ) đi chợ.
Chợ Vỹ Dạ ngày nay có phần hiện đại song vẫn giữ nét mộc mạc của một chợ truyền thống. Ngoài ra, cách chợ không xa là Cồn Hến xanh tươi. Bạn có thể thưởng thức món cơm hến và chè bắp đặc sản.
2.2. Chợ Nam Phổ và Bánh Canh Nam Phổ
- Ý nghĩa tên gọi: Nam Phổ là Năm Phổ, năm ngôi làng cạnh nhau
- Món ngon nên thử: Bánh Canh Nam Phổ
- Điểm tham quan: Các khu vườn, chùa làng, đầm phá và ruộng lúa
Qua khỏi Vỹ Dạ chúng ta sẽ đến chợ Nam Phổ. Tên gọi này có nghĩa là năm ngôi làng cạnh nhau “Năm Phổ”. Nơi đây từng là vùng xanh mướt với nguồn đất rất phù hợp cho việc trồng cau. “Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh”. Dân địa phương quen gọi là “chợ mai”, do trước đây chợ chỉ họp buổi sáng.
Nếu phương Tây mời nhau ly rượu “sâm panh” khai vị. Người Nhật mời nhau tách trà. Với người Việt, miếng trầu là đầu câu chuyện. Vậy chọn vôi têm trầu cũng quan trọng như người Pháp chọn rượu đãi khách. Người Huế cũng phải biết nơi mua vôi tốt, mua trầu thơm, cau ngọt để thể hiện sự tinh tế của mình. Họ phải đi cả bốn chợ để chuẩn bị cho một món ăn chơi.
Đầu thế kỷ hai mươi, Nguyễn Phúc Bính, hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long cũng có Phủ ở đây. Ông ấy là một thương nhân thành công, giàu có. Mỗi dịp Tết đến, để làm vui lòng khách đến chơi từ phương xa, quận vương cho tổ chức chợ “Gia Lạc” trải dài từ Nam Phổ qua các làng Ngọc Anh, Lại Thế đến gần Vỹ Dạ.
Nam Phổ tọa lạc thuận tiện trên cung đường đi đến Biển Thuận An, Đầm Chuồn hay về các làng nghề Thanh Tiên, làng Sình.
Nam Phổ nổi tiếng là làng ẩm thực, cái nôi của món Bánh Canh Nam Phổ. Bạn hãy tìm đến gia đình Mệ Dư để thưởng thức đặc sản này cũng như các loại bánh Huế. Hầu hết những gánh bánh canh trên phố Huế, đều xuất phát từ nơi đây.
2.3. Chợ Nọ và nhạc Bolero
- Ý nghĩa tên gọi: Nọ là phát âm kiểu Huế cho từ cái Nỏ
- Món ngon nên thử: Bánh đúc mắm nêm
- Điểm tham quan: Đình làng cổ, nhà lưu niệm Bác Hồ, xưởng làm lồng chim thủ công
Con hói từ làng Nam Phổ kéo dài nối dòng sông Phổ Lợi đi ngang qua Chợ Nọ. Do vậy, nơi đây từng là tấp nập trên bến dưới thuyền. Lễ hội đua trải nơi đây cũng rất nổi tiếng. Theo ghi chép, khi người Việt vào đây lập làng, họ đã tìm thấy một chiếc Nỏ của người Chăm để lại. Họ gọi là làng Nỏ. Với âm giọng nặng của Huế, dần dà người ta quen gọi là Nọ.
Chợ Nọ có nhiều món ăn ngon, thú vị. Giá cả phải chăng và không khí vui mắt. Bạn có thể thử món Bánh Đúc Mắm Nêm. Ngoài ra, nơi đây cũng bán những sản phẩm thủ công từ nghề rèn, nghề hột nổ, lồng chim hoặc các loại lá thảo dược để nấu nước uống.
Ngôi đình làng cổ kính cạnh chợ không chỉ gắn liền với thời thơ ấu của Bác Hồ khi ông sống nơi đây mà còn lý giải thương hiệu “Bolero Chợ Nọ”. Điều này chứng minh từ thập niên 60 của thế kỷ trước, Huế từng là thành phố văn hóa, giáo dục nơi tiếp nhận những luồng văn hóa mới. Anh Sinh Viên Nguyễn Đức Mai của Đại Học Huế thời đó, đã mang dòng nhạc Bolero du nhập từ Tây Ban Nha biểu diễn ở sân đình làng mỗi tối cuối tuần. Hoạt động nổi bật đến mức hình thành trong tâm trí người Huế xưa một diễn đạt lạ kỳ. Nhạc ngoại Bolero kết hợp với chợ Nọ quê mùa.
2.4. Chợ Dinh và phố cổ Gia Hội
- Ý nghĩa tên gọi: Dinh có nghĩa là Dinh Phủ. Chợ Dinh nằm cạnh phủ Chúa Nguyễn ngày xưa.
- Món ngon nên thủ: Bún bò Huế, bún giấm nuốc
- Điểm tham quan: Phố cổ Gia Hội, các hội quán người Minh Hương, các phủ đệ hoàng tộc.
Đối diện bên kia sông của Vỹ Dạ, Nam Phổ là phố cổ Gia Hội và Chợ Dinh. Nơi đây từng là phủ dinh của chúa Nguyễn Phúc Khoát từ thế kỷ 17. Do vậy người dân quen gọi là Chợ Dinh, nằm cạnh các Dinh Phủ. Trong quá khứ, Chợ Dinh là nơi tấp nập buôn bán, giao thương của người Việt, người Minh Hương mà Michel Đức Chaigneau mô tả trong Hồi Ức Huế. Dẫu tầm vóc và vị trí của chợ Dinh bây giờ không còn như trước, bạn vẫn có thể tham quan khu phố Gia Hội – Chợ Dinh với rất nhiều điểm lý thú.
Tại sao có câu hát “Chợ Dinh bán áo con trai”? Điều ngày gắn liền với niềm tin, xin vía của người Việt. Có người cho rằng quận vương Nguyễn Phúc Bính, hoàng tử thứ 6 của vua Gia Long, đã cho may áo con trai và mang qua chợ Dinh bán rẻ cho người dân. Ông là một nhà kinh doanh thành công, rất giàu nhưng chậm có con trai kế thừa. Do vậy, việc bán tặng áo con trai cũng sẽ góp phần mang lại phúc đức để cầu tự.
Ở chợ Dinh, đường Chi Lăng có nhiều tiệm ăn ngon. Bạn cũng có thể ghé thăm nhiều tiệm cà phê rất chất. Nhưng có một món khá kỳ lạ, bạn có thể thử là “Bún Giấm Nuốc”. Tiệm chỉ bán buổi chiều, nằm ngay đầu phố Gia Hội.
2.5. Chợ Bao Vinh và những làng nghề truyền thống
- Ý nghĩa tên gọi: Giống như tên gọi, phố cổ một thời vang bóng.
- Món ngon nên thử: Bánh tét chiên, nông sản.
- Điểm tham quan: Nhà cổ, làng nghề, các xưởng thủ công
Chợ Bao Vinh nằm ở ngã ba nơi con sông Hương, sông Đông Ba, Sông Cửa Hậu – Bạch Yến nối nhau. Khi thương cảng Thanh Hà bị bồi đấp, người dân Minh Hương đã chuyển đến sống ở Bao Vinh. Họ xây dựng các cửa tiệm, thúc đẩy kinh doanh các mặt hàng truyền thống. Xung quanh Bao Vinh còn có nhiều nghề khác như nghề khẩm cẩn xà cừ, làm gạch ngói, làm bột. Cách một chuyến đò ngang, bên kia sông là các làng nghề Mậu Tài, Thanh Tiên, làng Sình, Tiên Nộn.
Do vậy, tham quan Chợ Bao Vinh và các xóm xung quanh, bạn sẽ tìm hiểu nhiều sản phẩm làng nghề. Đặc biệt, dịp giáp Tết, khu phố chợ sẽ nhiều sắc màu với các sản phẩm truyền thống bán Tết như Hoa Giấy Thanh Tiên, ông Táo Địa Linh, vàng mã, tranh làng Sình.
2.6. Chợ Thông và làng bánh tráng Lựu Bảo
- Ý nghĩa tên gọi: Thông có nghĩa là thông thương. Nó đánh dấu việc khơi thông dòng sông An Ninh để kết nối với Sông Hương
- Món ngon nên thử: Bánh ướt làng Lựu Bảo, Mứt Gừng Kim Long
- Điểm tham quan: Nhà vườn Kim Long, làng cổ, miếu quan lại
Chợ Thông tọa lạc trên dòng sông An Ninh, nối từ dòng Sông Hương gần chùa Thiên Mụ rồi hòa lại với dòng sông này ở gần Bao Vinh. Vua Gia Long cho khơi Thông dòng chảy này để tiện việc giao thương, trị thủy. Từ đó, ngôi chợ nơi đây mới được quen gọi là chợ Thông.
Cạnh chợ Thông là làng nghề truyền thống Lựu Bảo, nổi tiếng với nghề làm bánh tráng. Bánh ướt cũng là một món yêu thích cho buổi sáng mà bạn nên thử. Chợ Thông cũng là nơi các thuyền mang các sản phẩm nông sản từ núi về, tôm cá từ biển lên tụ hội. Đặc biệt củ gừng xuôi từ thượng nguồn sông Hương về đây, đã làm nên món Mứt Gừng Kim Long Huế nức danh.
Khi tham gia tour xe đạp Kim Long những báu vật xanh, bạn sẽ ngang qua chợ Thông. Hãy thong thả ghé thăm các làng nghề, nhà vườn và một ngôi miếu quan lại rất độc đáo.
2.7. Chợ Bến Ngự và “Ông Già Bến Ngự”
- Ý nghĩa tên gọi: Bến Ngự là bến thuyền ngự của Vua đậu
- Món ngon nên thử: Các loại cháo, đặc biệt cháo gạo đỏ “huyết rồng” với cá bống thệ kho khô
- Điểm tham quan: Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu “Ông già Bến Ngự”, đình cổ, nhà thờ Phủ Cam.
Dưới thời vua Minh Mạng, đoàn ngự đạo Tế Nam Giao đi thuyền từ Sông Hương vào nhánh sông An Cựu- Phủ Cảm rồi dừng nơi đây, trước khi tiếp tục bằng đường bộ. Bến thuyền của Vua được gọi là Bến Ngự, cạnh vị trí khu chợ bây giờ.
Nơi đây cũng gắn liền với tuổi già của Chí sĩ Phan Bội Châu khi ông bị người Pháp giam lỏng ở Huế. Bạn có thể ghé thăm nhà lưu niệm của “Ông Già Bến Ngự” cách đó không xa.
Khu chợ hải sản, rau củ cũng bán nhiều sản vật địa phương, vùng núi rất thú vị, trải dài ven sông và bóng cây xanh mát. Du khách thường đến đây thăm chợ qua các tour ẩm thực, học nấu ăn với nghệ nhân.
Đến chợ Bến Ngự, bạn hãy thưởng thức một bát cháo gạo đỏ ăn kèm cá bống thệ kho cứng của Mệ Thức.
Mệ đã có hơn 50 năm ngồi dưới góc cây xanh mát, bán cháo cho bao người. Hẳn Mệ sẽ có nhiều câu chuyện thú vị để chia sẻ.
2.8. Chợ An Cựu “một chị một em” với Chợ Đông Ba
- Ý nghĩa tên gọi: Cùng tên làng, cạnh sông An Cựu.
- Món ngon nên thử: Bắp hầm với đậu xanh nghiền
- Điểm tham quan: Làng Thanh Toàn, Cung An Định, hẻm bánh bèo nậm lọc
Chợ An Cựu hiện tại tọa lạc trên vị trí Đình Làng An Cựu, nằm ở bên bờ sông An Cựu. Trước đây, chợ có tên là chợ Đường Ngang. Bởi được xây dựng trên con đường nối ngang giữa sông Hương và sông An Cựu. Đây cũng là ngôi chợ hơn trăm năm tuổi, là 1 trong 4 khu chợ quan trọng trong quy hoạch đô thị Huế từ thời Pháp.
Với vị trí trung tâm và hàng hóa phong phú, chợ An Cựu có thể là sự lựa chọn thay thế lý tưởng cho Chợ Đông Ba. Chợ cũng tọa lạc gần Cung An Định, dòng chúa Cứu Thế và nhiều công trình quan trọng khác ở khu phố Tây.
Nếu ghé thăm chợ buổi sáng, hãy thưởng thức món bắp hầm kèm muối đậu với topping đậu xanh bạn nhé. Ăn để cảm nhận sự khéo léo, tận tụy của người Huế để biến những nguyên liệu rẻ tiền, nhà nghèo, thành một bữa ăn sáng lành mạnh, tinh tươm.
2.9. Chợ Thủy Biều, vùng đất khoa cử
- Ý nghĩa tên gọi: Cùng tên vùng đất bao gồm hai làng Nguyệt Biều và Lương Quán.
- Món ngon nên thử: Các loại trái cây tươi miệt vườn
- Điểm tham quan: Làng đúc đồng, làm nhang, đấu trường Hổ Quyền, làng Thủy Biều
Chợ Thủy Biều thú vị vì tính dân dã của nó. Có thể nói chính xác hơn, nó không phải chỉ là một chợ mà là một cụm chợ trải dài từ chợ Phường Đúc, rải rác đến làng Thủy Biều. Dọc đường, bạn sẽ thấy cản sản phẩm miệt vườn như Chuối, Mít, Thơm, Dâu bày bán theo mùa bên cạnh các sản phẩm làng nghề truyền thống.
Vậy nên, khi tham quan làng Thủy Biều, bên cạnh khám phá các làng nghề, các nhà vườn thì dạo chợ là một trải nghiệm thú vị.
2.10. Những ngôi chợ truyền thống khác ở Huế
Như đã nói, không gian chợ truyền thống ở Huế rất phong phú và đặc sắc. Phía bên trong Kinh Thành, còn rất nhiều khu chợ gắn liền đời sống hoàng cung xưa như Chợ Tây Lộc, chợ Thuận Hòa, chợ Xép Thuận Lộc, chợ Cầu Kho, chợ Ngã Giữa Phan Đăng Lưu, vv.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ngôi chợ ven đầm phá, vùng bán sơn địa cũng rất lâu đời với nhiều sản phẩm đặc trưng như Chợ Nịu ở gần phá Tam Giang, chợ Mỹ Lợi ở Phú Lộc, chợ Sam, chợ Đầm Chuồn, vv. Chúng tôi sẽ giới thiệu trong các bài viết khác.
3. Lên kế hoạch du lịch chậm thăm chợ quê xứ Huế
3.1. Lựa chọn phương tiện và lịch trình phù hợp
Nếu bạn là người yêu thích du lịch chậm, hẳn bạn hiểu rằng cần sự thong thả và thời gian đủ để rong ruổi các khu chợ. Đi chợ không chỉ là mua sắm, mà còn trải nghiệm ẩm thực, lắng nghe câu chuyện, tìm hiểu các món đồ thủ công. Vậy nên, bạn có thể đi bộ nếu cảm thấy thoải mái, hoặc sử dụng xe đạp, xích lô hay taxi. Bạn có thể xem bản đồ bên dưới và đọc thêm hướng dẫn thiết yếu bên dưới để hình du về vị trí các điểm tham quan.
Chú thích thêm
- Khu vực bờ bắc và Kinh Thành Huế (1a): Bạn có thể kết hợp tham quan Kinh Thành, với các chợ nội thành, chợ Đông Ba. Tour ẩm thực buổi tổi bằng xích lô cũng đưa bạn dạo qua các chợ này.
- Khu vực bờ Nam – Phố Tây (1b): Tham quan chợ Bến Ngự, chợ An Cựu.
- Khu vực phố Gia Hội (1c): Khám phá khu phố cổ Gia Hội, Chợ Dinh.
- Khu vực Cồn Hến – Vỹ Dạ (1d): Khám phá Chợ Vỹ Dạ. Tiếp tục đi thẳng xuống phía Đông là Chợ Nam Phổ và Chợ Nọ.
- Khu vực Kim Long (2a): Bạn sẽ khám phá chợ Thông
- Khu vực Thủy Biều (2b): Bạn kết hợp tham quan làng Thủy Biều.
- Khu vực Thanh Toàn (2c): Bạn ghé thăm chợ Cầu, chợ quê ngày hội.
- Khu vực Bao Vinh Thanh Tiên (2d): Ghé thăm chợ Bao Vinh.
3.2. Đặt tour của Slow Travel Hue với trải nghiệm chợ quê
Slow Travel Huế tổ chức các tour du lịch chậm bằng xe đạp và xích lô về các làng quê. Du khách luôn có cơ hội ghé thăm và trải nghiệm các ngôi chợ truyền thống.
- Tour Trải Nghiệm Làng Quê Thanh Toàn (1 ngày) sẽ đưa bạn về thăm Chợ Quê Thanh Toàn. Chúng tôi cũng có thể kết hợp tham quan Chợ An Cựu.
- Tour Hương Thơm Làng Thủy Biều ( 5 giờ) sẽ đưa bạn đến các chợ quê ở Phường Đúc, Thủy Biều.
- Kim Long những báu vật xanh (6 giờ),, Kim Long Bí Mật Trường Thọ (1 ngày) haySống Chậm Giữa Nhà Vườn Xứ Huế (2N1Đ) sẽ đưa bạn khám phá làng bánh tráng Lựu Bảo và Chợ Thông.
- Và chợ Bao Vinh sẽ là một phần thiết yếu của tour Bao Vinh và những làng nghề truyền thống.
“Nhất cận thị, nhị cận giang”. Người Việt xưa chọn nơi nào có chợ, gần sông rồi tập trung sinh sống. Nhưng cũng vì có dân cư, có sông ngòi đi lại giao thương dễ dàng nên mới có những khu chợ sầm uất. Huế là mảnh đất sống chậm, giảu tình nghĩa. Những ngôi chợ quê là nơi bảo lưu nét văn hóa đặc trưng vùng miền, món ngon đặc sản. Bất kể bạn có bao nhiêu thời gian đi nữa, hãy đừng bỏ qua các không gian thú vị này. Du lịch chậm chợ quê xứ Huế là một hành trình để cảm nhận hương vị và thấu hiểu nhân sinh.