envi 0963 50 10 74 info@slowtravelhue.com

Từ Hiếu, nẻo về an yên của Thái Giám triều Nguyễn

Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km, thuộc làng Dương Xuân, Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cổ kính ẩn mình yên bình dưới ngọn đồi thông. Hầu hết các du khách đến Huế đều ghé thăm địa điểm này vì kiến ​​trúc đẹp, khu vườn yên tĩnh, các truyền thống và thực hành Phật giáo được lưu giữ cẩn thận. Chùa cũng là nơi Sư Ông Thích Nhất Hạnh tu học và trở về. Nhưng những khách đam mê du lịch chậm, có lẽ sẽ dành nhiều thời gian hơn để lang thang quanh nghĩa trang bí ẩn gần đó, dành riêng tìm hiểu các hoạn quan triều Nguyễn.

Cuộc đời của các Thái Giám triều Nguyễn

Ở vùng nông thông Huế ngày nay vẫn còn nhớ câu tục ngữ “Vui như làng đẻ được ông Bộ” hay “Đẻ ông Bộ cho làng nhờ“. Ông Bộ là người con trai sinh ra có khiếm khuyết về bộ phận sinh dục hay nửa nam nửa nữ. Gia đình nào “đẻ được ông Bộ” thì báo ngay với làng để cơ quan hữu trách báo với bộ Lễ. Theo nhà nghiên cứu Huế học Nguyễn Đắc Xuân, Đứa bé sẽ được nuôi nấng theo nghi lễ trong cung. Khi lớn lên, cậu bé sẽ được đưa vô nội là thái giám. Làng nào có ông Bộ sẽ được tha thuế trong ba năm. Do vậy, dân làng rất vui sướng.

Ở trong cung, chỉ có một người đàn ông duy nhất là Vua. Còn lại là hoàng hậu, phi tần, thị nữ. Do vậy tất cả các công việc nặng nhọc, sắp xếp trong cung đều giao cho thái giám. Dưới thời Nguyễn, đội ngũ thái giám cũng được phân chia thành năm cấp bậc khác nhau. Họ được lãnh tiền và gạo tương ứng. Về trang phục, Thái Giám cũng có lễ phục và thường phục. Lễ phục bằng lụa màu lục dành cho những vị đẳng cấp cao và màu xanh da trời dành cho những người đẳng cấp thấp. Trước ngực có một cái hoa màu lục trên nền đỏ để phân biệt với các quan văn thêu chim, và quan võ thêu con thú bốn chân. Mũ quan thái giám không có cánh chuồn. Thường phục của Thái giám là áo dài đen, quần trắng, đầu bịt khăn đóng màu đen. Do một số tiền lệ lịch sử nên Thái Giám dưới triều nguyễn không được can dự vào việc chính sự mà chỉ để sai vặt và lo việc trong cung. Phần lớn cuộc đời Thái Giám sẽ sống trong cung. Khi đau ốm hoặc về già, họ phải ra ngoài chữa bệnh hoặc sống cuộc đời còn lại ở viện cung Giám, phía đông bắc Hoàng Thành. Thái Giám cũng không được chết trong nội, hoặc xây lăng ở những nơi linh thiêng chỉ dành cho vua chúa và hoàng tộc.

Đầu thế kỷ XIX, tại vùng Dương Xuân có một thảo am mang tên An Dưỡng Am, phong cảnh nên thơ do Hòa Thượng Nhất Định lập nên. Đến thời vua Thiệu Trị (1843), một Thái Giám đứng ra vận động các Thái Giám triều vua Gia Long, Minh Mạng và dân chúng đóng góp xây dựng thảo am thành một ngôi chùa khang trang. Chùa này được vua Tự Đức sắc phong “Sắc Tứ Từ Hiếu Tự”, là tổ đình Từ Hiếu ngày nay.

Thái Giám dưới thời Nguyễn
Tại sao người Pháp gọi Từ Hiếu là “Chùa của Thái Giám”

Chùa Từ Hiếu được xây dựng kiên cố từ năm 1842 đến 1848, nhờ vào quyên góp yểm trợ của các quan Thái Giám dưới thời vua Thiệu Trị. Theo A.Laborde, năm Thành Thái thứ 5 (1893), lo lắng về hoàn cảnh éo le của mình khi về già và bệnh chết mà không có ai chăm sóc, các thái giám trong triều lại một lần nửa hiến tặng tiền bạc, ruộng được cấp của mình cho chùa và mong muốn được an táng ở đây. Từ đó, chùa Từ Hiếu cũng dành để chăm sóc linh hồn của của các vị hoạn quan. Dưới thời Nguyễn, từng có đến 200 thái giám phục vụ. Một số Thái Giám rất có vị thế và tài năng quân sự, như Tả Quân Lê Văn Duyệt.

Khu mộ táng của các thái giám tọa lạc bên trong khu vườn chùa. Có khoảng 25 mộ, xếp thành 3 hàng, khác nhau về vị trí và kích thước, tương ứng với quan phẩm của họ. Các bài vị của thái giám cũng được đặt bên trong tổ đình Từ Hiếu để hàng ngày được nghe kinh, hộ niệm, hay cầu siêu vào những ngày kỵ giỗ. Dù đã rêu phong theo thời gian, nghĩa trang vẫn tiếp tục được chăm sóc cẩn thận và gợi lên vẻ đẹp lịch sử độc đáo, kể những câu chuyện kỳ ​​bí về cuộc sống bên trong Đại Nội, gắn bó với số phận của một thái giám từ khi còn nhỏ cho đến khi từ trần. Họ đã sinh ra trong vinh quan và chết trong cô quạnh thế nào. Hơn nữa, nó nhắc nhở chúng ta về cách người Việt Nam quan niệm về “sinh ký tử quy”. Tại sao việc thờ cúng tổ tiên, Đạo Phật lại quan trọng trong nền văn hóa dân tộc. Vậy nên người Pháp xưa gọi Từ Hiếu là ngôi chùa của những Thái Giám.

Khu mộ của Thái Giám trong vườn chùa Từ Hiếu.

Đến Huế, ngoài thăm Đại Nội và lăng tẩm đền đài, đừng quên ghé thăm nghĩa trang thái giám độc nhất vô nhị ở chùa Từ Hiếu cổ kính, nơi người sống và kẻ chết đều tìm được hạnh phúc cho riêng mình.

Lời khuyên: Bạn có thể đến thăm chùa Từ Hiếu và nghĩa trang thái giám bằng xe đạp và kết nối với tour đạp xe “Hương Thơm Làng Thủy Biều”

Để lại phản hồi

Bền Vững, Hạnh Phúc, Thiên Nhiên

Biểu tượng của chúng tôi là một chú rùa nhân hóa với chiếc mai hình trái tim, đi thư thả và an nhiên. Đầu hướng về  Bền Vững để quảng bá  “Du Lịch tôn trọng người dân địa phương, du khách, di sản văn hóa và môi trường”.  Trái tim chia sẻ Hạnh Phúc “Đi Chậm Cảm Sâu” hay “Viên Thành trong Tiếp Nối”. Cánh tay ôm ấp Thiên Nhiên để cung cấp dịch vụ thân thiện môi trường.