vi 0963 50 10 74 info@slowtravelhue.com

Đến thăm Huế vào dịp giáp Tết, chúng ta dễ dàng bắt gặp những chông hoa giấy Thanh Tiên rực rỡ sắc màu dọc phố phường. Hoa giấy Thanh Tiên đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế.

Rực rỡ hoa giấy Thanh Tiên
Làng Thanh Tiên ở đâu?

Làng Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Làng nằm dọc theo bờ Nam, hạ lưu sông Hương gần ngã ba Sình.

Từ trung tâm thành phố qua chợ Đông Ba rẽ trái xuôi theo đường Huỳnh Thúc Kháng tầm 5km là đến địa phận phố cổ Bao Vinh, thương cảng sầm uất năm xưa. Tại đây bắt thêm một chuyến đò chở cả người cả xe sang bờ bên kia là đến làng Tiên Nộn. Người dân ở đây vẫn gọi chuyến đò nối Bao Vinh – Tiên Nộn là chuyến đò ngang, bởi đò chỉ chạy “ngang” sông Hương đưa người từ phố cổ sang làng Sình, làng Tiên Nộn. Từ Tiên Nộn đi thêm 1km nữa là đến làng hoa giấy Thanh Tiên.

Nguồn gốc và ý nghĩa hoa giấy Thanh Tiên
Hoa giấy Thanh Tiên rực rỡ biểu trưng cho Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí Tín

Nhiều nguồn tư liệu cho rằng, làng hoa giấy Thanh Tiên ra đời 300 – 400 năm trước, vào thời các chúa Nguyễn. Sau khi vua Gia Long thu giang sơn về một mối, nhân lễ Thượng tuần, nhà vua ban chiếu đề nghị mỗi một trấn đem về kinh thành một loài hoa quý. Trong triều đình có một vị quan là người làng Thanh Tiên làm ở Bộ Lễ, chức Tả Hữu Đồng Nghị, đã dâng lên nhà vua một loài hoa đặc biệt: Hoa làm hoàn toàn bằng giấy, tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở làng quê như cây lùng, cây tre, cây đũa, đem nhuộm màu thủ công tạo thành ngũ sắc nhờ sự sáng tạo và bàn tay khéo léo.

Loại hoa này mang đầy ý nghĩa Tam Cương – Ngũ Thường: Ba cành hoa ở giữa tượng trưng cho Trung – Hiếu – Nghĩa. Trong đó luôn có một chiếc hoa màu vàng hoặc đỏ được làm to nhất tượng trưng cho đấng minh quân, còn 5 bông hoa hai bên tượng trưng cho “Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín” biểu thị đạo đức, giá trị nhân cách của con người.

Nhà vua rất hài lòng với sản phẩm độc đáo mang ý nghĩa sâu xa như thế, liền ban chiếu khuyến khích làng Thanh Tiên làm hoa giấy để bày biện, bán lên kinh đô và phổ biến nghề cho mọi người. Dần dần, Hoa giấy Thanh Tiên ngày càng gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cuả người Huế. Người dân dùng Hoa Giấy để thờ cúng gia tiên suốt 4 mùa. Những bông hoa giấy rực rỡ sắc màu nơi thôn dã không còn là “hương bảo” của làng Thanh Tiên nữa mà lan tỏa khắp phố thị, làng quê Huế mỗi dịp xuân về.

Thêm vào đó, khí hậu ở Huế vốn khắc nghiệt với mùa Hè nắng nóng như đổ lửa với gió Lào hanh hao, mùa Đông mưa dầm thối đất thối trời, nên mọi người dân sử dụng hoa tươi thường không bảo quản được lâu. Hoa Giấy Thanh Tiên chủ yếu được làm và sử dụng vào dịp gần cuối năm để chưng bàn thờ và giúp trang trí nhà cửa thêm rực rỡ ngày Tết.

Cách làm hoa giấy Thanh Tiên
Nguyên liệu làm hoa giấy Thanh Tiên

Để làm ra hoa giấy, người dân làng Thanh Tiên đã biết tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở vùng mình như cây lùng, cây tre cộng với sức sáng tạo phong phú đã tạo nên những bông hoa giấy rực rỡ: bông Lùng, bông Tre, bông Đũa và nhuộm màu ngũ sắc theo phương pháp gia truyền bằng cách sử dụng nhựa cây và lá cây. Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo, nghệ thuật, họ đã mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên như: hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa tường vi, hoa quỳ và sau đó là hoa sen.

Các công đoạn làm hoa giấy Thanh Tiên

Để làm hoa giấy Thanh Tiên, cần chuẩn bị đầy đủ các công đoạn từ mấy tháng trước khi mùa mưa đến.

Trước hết là lựa chọn những cây tre tốt đem về chẻ nhỏ, vót mỏng thật cẩn thận, phơi khô để làm cành, cuống của bông hoa. Phải chọn loại tre lồ ô mới đạt độ dẻo dai, dễ uốn cong theo ý muốn.

Tiếp theo là chọn giấy và nhuộm màu. Giấy phải làm sao chọn loại bền, không dập nát. Màu cánh hoa phải tươi mới và giống với màu hoa thật. Người làng Thanh Tiên đặc biệt không sử dụng phẩm màu hay hóa chất độc hại nhuộm hoa giấy, tất cả đều từ nguồn nhựa cây và lá cây theo công thức gia truyền chế xuất ra làm thuốc nhuộm. Cái khó ở công đoạn nhuộm màu là làm sao cho giấy giữ được màu lâu bền, ít phai. Năm màu chủ đạo của hoa giấy Thanh Tiên là: hồng, tím, xanh, vàng, trắng.

Cuối cùng là cắt cánh, làm nhụy hoa, tạo nếp nhăn cho hoa sống động như hoa thật rồi dùng hồ dán kết bông vào cành. Tạo đường vân cho cánh hoa là công đoạn khó nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kinh nghiệm của người làm hoa.

Tất cả công đoạn đều được làm hoàn toàn thủ công bằng tay. Chính vì vậy, làm Hoa giấy Thanh Tiên tốn rất nhiều thời gian, yêu cầu sự kiên trì, chăm chỉ tuyệt vời và sự khéo léo của đôi tay để tạo thành một bông hoa đẹp và có hồn – thể hiện được cái tâm của nghệ nhân trong từng đường nét.

Người làng Thanh Tiên làm hoa giấy cẩn thận và tỉ mỉ đến từng chi tiết
Từ hoa giấy đến làng nghề truyền thống
Các sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên

Sản phẩm của hoa giấy Thanh Tiên rất đa dạng, là các loài hoa quen thuộc trong cuộc sống như: hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, hoa huệ, hoa mai, hoa đồng tiền, hoa tường vi…Các loài hoa này thường được bó thành bó nhỏ để chưng trên bàn thờ tổ tiên, hoặc được gộp thành một “đòn hoa”. Đòn hoa còn được gọi là cây chông, mỗi cây chông sẽ cắm 100 cây hoa ngũ sắc. Các chông hoa này sẽ được theo bước chân người bán dạo khắp phố phường, kinh thành Huế. Các loài hoa này vốn chỉ phục vụ cho nhu cầu thờ tự, lễ nghi và chỉ được làm chủ yếu trong dịp Tết.

Ngoài ra, người dân làng Thanh Tiên còn làm hoa Sen giấy màu trắng và màu hồng, được làm từ giấy pơ luya mỏng. Nhiều nghệ nhân tâm huyết ở làng đã tìm tòi, sáng tạo, thổi hồn cho hoa Sen trông giống như hoa thật, từ cành, lá, búp, nhuỵ hoa đều tinh tế và sống động. Hoa Sen giấy được phục vụ nhiều cho nhu cầu trang trí, làm đẹp cảnh quan, làm quà lưu niệm.

Hoa giấy Thanh Tiên rực rỡ làm từ giấy pơ-luya
Làng nghề truyền thống Thanh Tiên

Trải qua nhiều năm tháng, hoa giấy Thanh Tiên đã phát triển thành làng nghề làm hoa giấy nổi tiếng đất cố đô Huế. Tuy nhiên, hoa giấy vẫn chủ yếu được làm để chưng tết và có độ bền thấp (do nguyên liệu làm bằng giấy mỏng). Làm hoa rất kỳ công, tốn nhiều thời gian, mỗi ngày nghệ nhân chỉ làm được tầm 15 – 20 bông hoa giấy, thế mà giá bán lại không cao, chỉ tầm 5.000 – 7.000 đồng/cặp hoa cúng. Đối với hoa sen để trang trí thì giá tầm 20.000/bông. Nghề làm hoa lại có tính mùa vụ, chỉ chủ yếu tập trung làm từ tháng 10 trở đi đến Tết âm lịch. Chính vì khó khăn kinh tế, thanh niên trong làng bỏ vào thành phố làm việc hết. Làng nghề dần dần mai một, chỉ còn một số ít hộ dân còn làm hoa, và lao động chủ yếu là người cao tuổi, có thâm niên làm nghề, tâm huyết giữ lại truyền thống cho làng.

Những năm trở lại đây, làng nghề truyền thống Thanh Tiên được quan tâm phát triển hơn. Cứ dến ngày rằm, mùng một, lễ Tết, làng huy động anh em họ hàng về cùng làm hoa để kịp tiến độ. Người dân đã nghiên cứu để cho ra thành phẩm hoa bền hơn, cánh dày dặn hơn, với nhiều kiểu dáng đẹp mắt, sử dụng được lâu. Làng Thanh Tiên công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2013. Sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên đã góp mặt tại các lễ hội Festival Huế, lễ hội Festival làng nghề, lễ hội áo dài, cung đình, các sự kiện văn hóa… thậm chí xuất khẩu sang nhiều nước. 

Hoa sen giấy Thanh Tiên được chọn làm biểu tượng đặc trưng trong các chương trình giao lưu văn hoá nghệ thuật, được trưng bày ở Đại Nội Huế, ở nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu (Thanh Tiên – Phú Mậu – Phú Vang, Huế)

Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, chúng ta đều bắt gặp những chông hoa giấy rực rỡ sắc màu được bày bán ở chợ làng quê và các chợ nơi phố thị. Hoa giấy cũng khoe sắc, tô điểm thêm cho mùa xuân xứ Huế, trên bàn thờ ngày Tết luôn có một cây hoa giấy với nhiều màu sắc.

Ngày nay, hoa giấy không chỉ đơn thuần phục vụ cúng bái, người làng Thanh Tiên đã làm hoa giấy cả năm, từ nhu cầu trang trí nhà cửa, cắm bình hoa giấy đẹp như hoa tươi mà bền hơn hẳn, các khách sạn đặt hàng tô điểm cho phòng ngủ, phòng ăn, đại sảnh, các lễ hội… Các quán cà phê, nhà sách sử dụng hoa giấy Thanh Tiên trang trí hài hoà, đẹp mắt, thậm chí hoa còn là vật cầm tay của các thiếu nữ tô điểm cho áo dài – vốn cũng là một biểu tượng văn hóa khác của Huế.

Trải nghiệm du lịch tại làng hoa giấy Thanh Tiên
Tour Du Lịch Trải Nghiệm làng hoa giấy Thanh Tiên

Theo chân chúng tôi về làng Thanh Tiên, các bạn sẽ có cơ hội thăm ngôi làng hiền hoà bên bờ dòng sông Hương hiền hoà thơ mộng. Gặp gỡ người dân trong làng là nghệ nhân trực tiếp làm hoa, nghe họ trải lòng về truyền thống của làng, về công việc hàng ngày, cũng như được nhìn ngắm thành phẩm “tai nghe, mắt thấy” mới thực sự là kỷ niệm đáng nhớ. Đặc biệt, bạn sẽ có trải nghiệm tuyệt vời được tự tay mình vót, tỉa, cắt, dán nên những bông hoa giấy của riêng mình. Sẽ thật thú vị khi hành trang trở về nhà của bạn là mấy cành hoa giấy Thanh Tiên tự làm để trang trí nhà, để làm món quà nhỏ tặng bạn bè, người thân.

Nếu đến Huế tháng Chạp, đứng ở bến đò Bao Vinh – Tiên Nộn mỗi sáng sớm, bạn sẽ được thấy cảnh tấp nập các O, các Mệ, các chị gồng gánh cây chông hoa lên đò vào phố. Hình ảnh đẹp bình dị chẳng nơi nào có được này, chỉ có ở Thanh Tiên mà thôi.

Xanh xanh đỏ đỏ vàng vàng

Cứ đến tháng Chạp cả làng làm hoa

Mỗi khi người dân Huế thấy hoa giấy Thanh Tiên xuất hiện trên khắp nẻo đường là biết tết sắp về. Hoa giấy đã lưu giữ nét đẹp tâm linh của các gia đình xứ Kinh Kỳ, đồng thời còn thể hiện nét độc đáo hiếm có của văn hoá Huế. Những bông hoa tươi rói suốt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông sẽ hiện hữu trong từng góc bàn, trong từng ý nghĩ của bạn khi nhớ về xứ Huế yêu thương.

Để lại phản hồi

Bền Vững, Hạnh Phúc, Thiên Nhiên

Biểu tượng của chúng tôi là một chú rùa nhân hóa với chiếc mai hình trái tim, đi thư thả và an nhiên. Đầu hướng về  Bền Vững để quảng bá  “Du Lịch tôn trọng người dân địa phương, du khách, di sản văn hóa và môi trường”.  Trái tim chia sẻ Hạnh Phúc “Đi Chậm Cảm Sâu” hay “Viên Thành trong Tiếp Nối”. Cánh tay ôm ấp Thiên Nhiên để cung cấp dịch vụ thân thiện môi trường.