vi 0963 50 10 74 info@slowtravelhue.com

Ở Huế, chúng tôi uống nước sông Hương mà lớn, nghe chuông chùa mà sửa mình và được dạy bước những bước an lạc để tìm lối trở về với Phật tánh trong mỗi người. Những ký ức gieo vào tâm hồn chúng tôi những giá trị nhân văn, thấy biết sâu sắc để hiểu và thương suốt muôn nẻo đường đời. Và những bước đầu tiên là đến Chùa. Vậy nên ở Huế, mùa Phật Đản là một mùa lễ hội để hân hoan đón chào, như phương Tây mừng ngày Giáng Sinh vậy.

Năm nay, Người Huế mừng Phật Đản ra sao?

Tiếc thay, năm nay dịch bệnh vẫn hoành hành, người dân không được tụ tập đến chùa, Người Huế bớt treo đèn trang trí, bớt tổ chức lễ hội chào mừng. Chúng tôi quay về chăm sóc thân tâm. Thắp một nụ trầm, dâng một đóa sen, thỉnh một tiếng chuông vọng từ bên trong…bước một bước chân an lạc, nguyện cầu cho nhân loại sớm qua được tai ương.

Bạn đang lớn lên ở Huế, xứ sở của tâm linh và Phật Giáo? Bạn đã trưởng thành và đang ngược xuôi cơm áo giữa thành phố tấp nập hay cả bên kia địa cầu? Nhân ngày Phật Đản, bạn có có nhớ tiếng chuông chùa, rưng rưng hát khẽ “Quê hương tôi miền Trung. Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung. Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng.”

Mừng Phật Đản Sanh, chúng tôi chia sẻ những ký ức để các bạn cũng hiểu thêm về đời sống của người Huế để hiểu sau người Huế “Đi Chậm, Thương Sâu”. Chúng tôi cũng mong nghe bạn chia sẻ cảm xúc, ký ức về mùa thiêng liêng này.

Người dân đảnh lễ Phật Đản ở chùa
Nhớ về mùa Phật Đản tuổi thơ

Tôi nhớ rằm tháng Tư năm ấy, sau tuần kinh sáng Ôn Ngoại đánh thức tôi dậy rồi báo một tin vui “Con thay áo quần rồi ôn cho đi chùa, hôm nay Phật Đản”. Tôi chưa biết Phật Đản là gì, nhưng trong lòng rạng rỡ như bình sen trắng đang khai nở trên bàn thờ Phật. Ôn mặc áo dài lam, đội khăn, khoác túi vải rồi cùng tôi ngồi lên xe xích lô chú Giàu “Chở ôn con tui lên Từ Đàm đảnh lễ chú nhé!” “Dạ”

Chiếc xe “limousine mui trần” ba bánh lướt êm qua những con đường quen mà nay sinh động khác thường. Nhà nhà treo cờ Phật giáo, đèn ú, đèn hoa sen đủ màu sắc, đèn trên cột trụ, lang cang, trên những cành cây…một không khí lễ hội, vui tươi mà thanh thoát ngập tràn. Tôi say sưa ngắm cảnh hai bên đường, xen giữa những anh chị mặc áo lam, quần blue-marine, mũ scout hướng đạo sinh. Nhiều cô, bà, chị cũng mặc áo dài lam, có đeo một băng chéo màu vàng…tất cả đều đang hướng về phía Tây của thành phố.

Ông Con tôi đi qua Gia Hội, Trường Tiền, Lê Lợi, Phan Bội Châu rồi đến dốc Nam Giao (đầu đường Điện Biên Phủ bây giờ) thì Ông bảo chú Giàu dừng để hai ôn con đi bộ. Đây là đoạn đường nhiều ngôi chùa Cổ được trang trí công phu nhưng điều ấn tượng mãi với tôi hôm đó là rất nhiều người ăn xin, tàn tật ngồi dọc hai bên đường. Ôn Ngoại vừa đi, vừa trầm ngâm nhìn, hình như đang khấn nguyện một điều gì đó, rồi thỉnh thoảng kêu tôi ghé lại bỏ vào chiếc nón rách hay vào cánh tay đang đưa lên của người này, người kia một ít đồng tiền. Cứ như thế chúng tôi lên đến đỉnh dốc và gặp lại Chú Giàu ngay trước cổng một ngôi chùa lớn.

Trước khi vào cổng Tam Quan tôi hỏi “Ôn ơi, răng đi bộ mệt rứa ôn không ngồi xích lô cho khỏe. Răng ôn lại cho người này mà không cho người kia”. “À, chú Giàu chở mình cũng mệt rồi con, lại lên đoạn dốc, mình đi bộ cũng đỡ cho chú phải đẩy nặng. Còn mấy người nghèo, ai cũng có vẻ khó khăn, nhưng rồi lớn lên con sẽ biết vì răng ôn cho người này, lại không cho người kia. Có thể ôn thấy đúng, có thể ôn cũng nhìn sai, có khi mình không giúp lại là giúp. Từ thiện nó khó lắm con ạ, nhưng làm chi cũng tùy tâm, vô tư đừng nghĩ ngợi”. Đến giờ tôi vẫn không hiểu hết và không phải lúc nào cũng đúng hết trong việc thiện nguyện nhưng tôi nhớ mãi hôm ấy Ôn có nói thêm “Đó là TỪ BI đó con ạ, con hãy nhớ mà thực hành. Thấy người ta đau mình cảm thấy đau cùng và mình cố gắng để giảm bớt một phần khổ đau cho họ, cho cả người ăn mày, cả gánh nặng cho chú Giàu xích lô cũng vậy”.

Ý nghĩa ngày Phật Đản ở những ngôi Cổ Tự

Chúng tôi bước vào sân chùa. Tôi thấy náo nức và choáng ngợp trước hình tượng một cậu bé mặt khôi ngô tuấn tú, đứng trên đài sen, phía sau là hào quang phát sáng, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. “Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn” Ôn giải thích “Đây là Phật thích ca hồi mới sinh ra, đi bảy bước mọc lên bảy đài sen, ông chỉ tay muốn nói Trên Trời, Dưới Trời ở giữa chỉ có một mình ta”. Tuyên bố có vẻ kiêu ngạo đó khiến tôi lớn lên với sự tò mò để rồi tự tìm kiến giải cho chính mình. Qua nhiều thăng trầm cuộc sống, được mất mới tưởng về hình ảnh của bậc giác ngộ để hiểu răng: trong khắp cõi trời không có vị thần quyết định số mệnh của ta mà chỉ có ta mới chính là nơi nương tựa của chính mình, không còn ai khác. Ôn dẫn tôi đến dưới bồ đề thiêng liêng, được nhân nhánh từ cây cổ nơi Phật Thích Ca thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ.

Ôn vui mừng gặp một người bạn hữu cũng vừa mới đảnh lễ xong, nên hai người hoan hỉ cùng nhau xem và bình luận những phù điêu dưới diềm mái của tổ đình Từ Đàm. Đó là những bức tranh sống động tả cảnh từ lúc thái tử Tất Đạt Đa sinh ra, rồi lớn lên, cỡi ngựa trốn khỏi thành Ca Ty La Vệ để đi xuất gia. Cảnh vợ ngài quỳ bên gốc bồ đề, khi ngài thành đạo… hai ông bạn già say sưa ngắm và tả, còn tôi thì như được được xem một đoạn phim hấp dẫn và xúc động. Chúng tôi vào chánh điện đảnh lễ rồi về sớm, vì Ôn còn phải đến một số chùa khác.

Chánh Điện trang hoàng mừng Lễ Phật Đản

Buổi tối ngày Phật Đản, tôi lại được cùng Ba Mẹ lên lại chùa Từ Đàm. Không khí bây giờ náo nhiệt như một buổi đại nhạc hội. Tôi choáng ngợp trước màn Lục Cúng Hoa Đăng và bị Ba la khi nhại chế theo điệu nhạc “Chè, xôi, chuối để cúng ông bà già. Thịt gà rô ti thịt vịt…tôm cua đầu heo…” (điệu nhã nhạc Lục Cúng). Rồi sau đó không gian lắng đọng khi cô ca sĩ trong áo lam ngọt ngào “Quê hương tôi là đây. Sớm hôm hương trầm nhẹ bay. Vấn vương lời kinh chiều nay vơi đầy…”. Những mùa Phật Đản sau không còn Ôn Ngoại, tôi cùng lũ bạn đi thăm các chùa cổ trên mạn Nam Giao. Trèo cây, chạy nhảy giữa sân chùa, nóng, đói, khát chờ đến trưa để “thọ trai”. Ôi những bữa cơm chay, với vả trộn, mít trộn, miếng đậu phụ kho thơm hay tô canh kim châm chang ngập bún và thêm một muỗng xì dầu với chao cho đậm vị. Ai mà quên cho được. Rồi lũ chúng tôi trưởng thành, tứ táng mưu sinh. Đứng giữa ngã tư Sài Gòn, trước tượng đài Thích Quảng Đức thuyết minh cho khách rồi sực nhớ câu hát năm nào:

"Tiếng ai, chiều nay u hoài. 
Trầm lắng vọng về theo. 
Câu thề nguyện hiến mình cho đời”.

Câu hát kết nối đến cả không gian và thời gian, đến cả những chiều đứng bên tượng đài “Thánh Tử Đạo” góc Trường Tiền, Lê Lợi. Gợi ký ức tang thương mùa Phật Đản 1963, những xe tăng khai hỏa vào quần chúng đang nghe ở đài Phát Thanh Huế cũ. Những mùa Phật Đản gần đây, lễ rước đèn rước Phật từ sắc tự Diệu Đế lên Tổ Đình Từ Đàm đã trở thành một sự kiện rất được mong đợi của các gia đình Phật tử ở Huế. Dòng người bước tự do, an lạc, trên tay cầm một ngọn đèn, thắp sáng. Linh Giang tiếp nối Hương Giang, dòng chảy tâm linh như mạch nguồn không thể tách rời trong đời sống con người xứ Huế.

Ai đi qua miền Trung
Khoan khoan ơi người dừng chân
Lắng nghe về đây hồn ai u hoài
Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm
Ôi nơi đây nắng chiều dịu dàng
Ai hy sinh cứu đời phũ phàng, 
Từ Đàm ơi!

Cùng nguyện cầu cho nhân loại vượt qua. Mừng Phật Đản Sanh, Phật Lịch 2665

Để lại phản hồi

Bền Vững, Hạnh Phúc, Thiên Nhiên

Biểu tượng của chúng tôi là một chú rùa nhân hóa với chiếc mai hình trái tim, đi thư thả và an nhiên. Đầu hướng về  Bền Vững để quảng bá  “Du Lịch tôn trọng người dân địa phương, du khách, di sản văn hóa và môi trường”.  Trái tim chia sẻ Hạnh Phúc “Đi Chậm Cảm Sâu” hay “Viên Thành trong Tiếp Nối”. Cánh tay ôm ấp Thiên Nhiên để cung cấp dịch vụ thân thiện môi trường.