Người Huế xưa nay vẫn có truyền thống ăn chay vào các ngày rằm, mùng một. Ăn chay đã trở thành nét đẹp trong văn hoá ẩm thực xứ Huế. Các món chay xứ Huế được chế biến tinh tế và khéo léo. Người Huế ăn chay để sống nhẹ nhàng, tâm tĩnh, thân an.
Ăn chay – nét đẹp ẩm thực xứ Huế
Khi nhắc đến ẩm thực xứ Huế, chúng ta không thể bỏ qua một nét đặc trưng đậm chất cố đô: Ăn Chay!
Dường như không có nơi nào mà các món chay lại đa dạng, phong phú, ngon lành như ở Huế. Các món ăn chay ở Huế chủ yếu là các món dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn. Màu sắc các món ăn chay cũng rất bắt mắt, hương vị thì thơm ngon.
Người Huế từ bình dân đến quy tộc đều ăn chay, lâu dần Ăn Chay dường như trở thành nét văn hoá truyền thống của Huế. Xứ Huế vốn dĩ là miền đất nổi tiếng với nhiều đặc sản từ các món Bún, đến các món Chè, các món Mắm Ruốc, đặc biệt các món Chay cũng rất độc đáo. Du lịch Huế hãy nhớ một lần thử ăn chay kiểu Huế bạn nhé, sẽ rất thú vị đó!
Các món ăn chay kiểu Huế “đẹp” từ trong cách chế biến cho đến bày biện. Mâm cơm chay ở Huế rất bình dị, toàn là những thứ cây nhà lá vườn nhưng đặc biệt ở sự kết hợp hài hoà, tinh tế các nguyên liệu, cho hương vị đặc trưng rất đỗi thơm ngon. Các món ăn luôn được trình bày tươm tất, tỉ mỉ, thể hiện sự chu đáo và khéo léo của người Huế. Nghệ thuật ẩm thực chay xứ Huế hiện hữu trong cách ăn, cách nấu, cách con người xứ này nói về nó, khoe về nó.

Ăn chay kiểu Huế
Nhiều người cứ ngỡ món ăn chay chỉ có nhiều trong chùa. Thế nhưng người Huế đã có thói quen nấu món chay, ăn chay từ bao đời nay.
- Ăn chay kiểu Huế chia ra thành “ăn chay kỳ” và “ăn chay trường”. Đa phần người Huế ăn chay 2 lần mỗi tháng, vào ngày rằm, mùng một (gọi là Nhị Trai). Cũng nhiều người ăn chay 4 lần mỗi tháng, vào ngày 14-15 âm lịch và 30-mùng 1 âm lịch (gọi là Tứ Trai). Ngoài ra còn có kiểu ăn chay 6 ngày trong tháng (Lục Trai), 8 ngày trong tháng (Bát Trai), 10 ngày trong tháng (Thập Trai). Có một số người ăn Chay Trường, nghĩa là ăn chay liên tục quanh năm. Ngoài ra, cũng có những người không ăn chay định kỳ, mà họ ăn chay như một thói quen thường nhật. Họ còn khi gia đình có giỗ chạp, cúng kỵ, các ngày lễ lớn như Vu Lan, Phật Đản. Đặc biệt, không phải chỉ có người theo Phật Giáo mới ăn chay, mà cả người bình thường cũng có thói quen này.
- Hầu hết các gia đình đều tự tay nấu các món chay. Các O, các Dì người Huế nấu món chay rất thành thục, đều tay. Cơm chay trong gia đình chỉ cần có xì dầu, đậu phụng, muối sả, rau củ. Khi có khách hay ngày rằm, đầu tháng, mâm cơm thường có thêm các món bánh chay. Bữa cơm ăn chay kiểu Huế tuy đạm bạc chỉ với tương, cà, rau, dưa nhờ bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của người chế biến, các món ăn chay rất đa dạng, thậm chí còn thơm ngon hấp dẫn hơn cả món mặn.
- Ở Huế món gì cũng có thể làm thành món ăn chay: cơm chay, bún chay, bánh canh chay, cháo chay, gỏi chay, mỳ chay, đùi gà chay, nem chả chay, bánh bèo nậm lọc chay…. Trong đó, phải kể đến món Bún Chay mà bao người yêu thích. Đặc biệt ở Huế còn có Mít Trộn, Vả Trộn xúc bánh tráng – những món ăn chay mà ai đi xa cũng nhớ, ai ở gần cũng thèm.

- Thức ăn chay kiểu Huế có món thuần chay, cũng có món chay giả mặn trông y như thật nhưng hương vị thanh tao, nhẹ nhàng. Món chả chay được làm từ bột, khuôn đậu, phết màu thực phẩm và đúc tròn như món chả mặn. Mít non xé sợi trộn với muối tiêu và rau răm, trông y như món thịt gà bóp. Gốc sả nhồi đậu phụ non rồi lăn bột chiên giòn trông không khác gì đùi gà rán…Các món chay này ăn lạ miệng, thơm phức mùi rau củ, đậu phụ, lại dễ tiêu nên rất được người dân yêu thích.
Vì sao người Huế thích ăn chay?
- Ăn chay do lối sống văn hoá: Huế là cái nôi của Phật Giáo. Vùng đất cố đô nổi tiếng với hơn 400 ngôi chùa lớn nhỏ, nên văn hoá Phật Giáo đã tiềm tàng trong ý thức của con người Huế từ rất lâu đời. Nhiều người Huế thấm nhuần tư tưởng: ăn chay giúp con người họ chỉ nghĩ về điều thiện, về lòng khoan dung, về đức tin, giúp họ cảm thấy tươi vui, khoẻ khoắn hơn.
Hơn nữa, văn hoá ẩm thực xứ Huế rất chú trọng đến hai chữ “thanh cảnh” nên người Huế thích ăn các thức ăn nhẹ nhàng, thanh cảnh như món “Mít trộn”, Vả trộn” chay (theo Bùi Minh Đức trong “Khẩu vị của người Huế”). Các món ăn chay kiểu Huế luôn mang hương vị nhẹ nhàng, thanh đạm. Đặc biệt, sự “tinh tế” là một trong những tính cách Huế rõ nét nhất, nên không có gì ngạc nhiên khi người Huế thích ăn chay.
- Ăn chay do thói quen: Món nào chúng ta được ăn nhiều từ thuở nhỏ thì lớn lên chúng ta cũng có niềm ưu ái đặc biệt với món đó. Xưa nay người Huế vốn sống chịu thương chịu khó, khéo thu vén. Đời sống kinh tế không mấy dư dả, người Huế ăn những bữa cơmchay đơn sơ. Nguyên liệu làm cơm có sẵn trong vườn nhà, từ đậu phụng, rau dưa, xì dầu. Dần dần, cùng với sự khéo léo và sáng tạo, các món ăn chay được thay đổi tích cực. Món ăn chay được chế biến công phu, tỉ mỉ hơn, làm thành nhiều món ngon lạ miệng.
- Ăn chay để nuôi dưỡng tâm lành: Người Huế ăn chay để tâm tĩnh, thân an. Để cho tâm hồn mình được thư thái, loại bỏ bớt tham, sân, si, người Huế ăn chay. Để cầu mong những điều tốt đẹp đến cho bản thân và gia đình, người Huế ăn chay. Người Huế hướng tới ăn chay, không giết hại mọi vật, để nuôi dưỡng tấm lòng từ bi, hỉ xả, biết cảm thông và yêu thương.

Du lịch Huế thưởng thức các món ăn chay
Xứ Huế thơ mộng và đặc biệt lắm! Đi du lịch Huế ngoài khám phá cảnh quan thiên nhiên, đền đài lăng tẩm, thì ẩm thực chay xứ Huế là một kho tàng rộng lớn chờ đón bạn thưởng thức đó.
Đúng dịp ngày rằm, mồng một, nếu ghé thăm bấy kỳ ngôi chùa nào ở Huế, bạn sẽ được nhà chùa mời cỗ chay. Các hàng quán ở Huế không ai bảo ai mà cũng đồng loạt chuyển sang bán món chay vào những ngày này để phục vụ nhu cầu người địa phương và du khách. Nếu đến Huế vào ngày thường, bạn cũng dễ dàng tìm thấy các món ăn chay ngon tại các nhà hàng chay trong thành phố. Ngay cả những sạp hàng nhỏ cũng có vài chục món ăn làm từ rau, củ, quả, bánh chưng bánh tét chay, bún phở chay cho bạn chọn lựa. Đặc biệt món chay ở đường Lê Quý Đôn, đường Lê Lợi rất phong phú, vừa ngon mắt vừa ngon miệng.
Theo chân chúng tôi khám phá Tour ẩm thực buổi tối bằng xích lô , thưởng thức món Mit Trộn, Vả Trộn thanh tao, món Lẩu Chay thơm lừng nghi ngút khói, bạn sẽ thực sự ấn tượng về xứ Huế tinh tế, ngọt ngào.